Kiatisak: Vị tướng trong sương mù phố Núi
Kiatisak giỏi thật sự hay những gì ông đang làm được với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chỉ là hiệu ứng nhất thời? Câu hỏi đó có lẽ phải thêm vài vòng đấu nữa mới có được câu trả lời. Chỉ biết rằng dưới sự dẫn dắt của chiến lược gia Thái Lan, đội bóng phố Núi đang trở nên khó lường và biến ảo hơn rất nhiều chỉ sau vài vòng đấu đầu tiên của V.League 2021.
Cú hạ bệ gây sốc
Chức vô địch V.League 2020 của Viettel có đóng góp lớn từ hàng phòng ngự với cặp trung vệ thép tuyển thủ quốc gia Bùi Tiến Dũng – Quế Ngọc Hải. Đã có thời điểm chọc thủng lưới Viettel là nhiệm vụ khó khăn với bất cứ đội bóng nào khi họ có đến 6 trận giữ sạch lưới ở giai đoạn hai mùa trước, lừ lừ về đích như một cỗ xe tăng.
Ngay trước cuộc đối đầu vòng 4 V.League 2021 trên sân Hàng Đẫy, Công Phượng cũng đăng đàn khen các hậu vệ Viettel là “hay nhất Việt Nam”. Tuy nhiên, hàng thủ ấy đã thủng lưới 3 bàn trước HAGL, và Công Phượng trực tiếp đóng góp 1 bàn.
Cái đáng sợ của HAGL bây giờ nằm ở chỗ những tính toán của Kiatisak mờ ảo như sương mù phố Núi. Mất Tuấn Anh vì chấn thương, còn Công Phượng được cất trên băng ghế dự bị, HAGL chấp nhận thủ thế trước nhà ĐKVĐ. Kiatisak bố trí đội hình 3 hậu vệ “Tây ta đủ cả” với Kim Dong-su, Hữu Tuấn và Amir Demevic với nhiệm vụ cốt yếu là giữ vững khung thành. Ở phía trên, Trần Minh Vương và Nguyễn Trung Đại Dương trong lần ra sân hiếm hoi có nhiệm vụ giúp Văn Toàn quấy đảo hàng phòng ngự chủ nhà.
Những cú đấm quyết định chỉ được tung ra trong hiệp 2, khi Kiatisak tung Công Phượng vào sân. Ngôi sao tấn công sinh năm 1994 được sử dụng một lần nữa ở vị trí lùi sâu và chính vị trí đó giúp anh khai thác khoảng trống giữa hai tuyến của Viettel, tung ra cú cứa lòng hoàn hảo bằng chân trái mở tỷ số trận đấu. Đó chính là bước ngoặt quan trọng, mở ra thế trận dễ dàng hơn nhiều cho HAGL và làm đối thủ choáng vàng. Đội khách nhanh chóng có bàn thắng nhân đôi cách biệt do công Văn Thanh.
Nếu như hai bàn trong trận đấu với Bình Định vòng 3 được ghi ở phút 13 (Văn Toàn) và 15 (Brandao) thì ở trận đấu với Viettel vừa rồi, các pha lập công của Công Phượng và Văn Thanh đến ở phút 57 và 60, trong 15 phút đầu hiệp 2. Những cú ra đòn mạnh mẽ dứt khoát được tung ra đầu mỗi hiệp có vẻ là cách mà Kiatisak và các học trò sử dụng để làm tê liệt ý chí đối thủ, đem về thắng lợi sau cùng.
Sự khó lường của HAGL chính là điểm khác biệt lớn nhất so với những mùa giải trước. Trước các đối thủ khó nhằn, họ sẵn sàng thủ thế nhún nhường trước khi chọn thời điểm hợp lý để bung sức. Nói một cách khác, đại diện phố Núi đã khôn ngoan hơn rất nhiều dưới thời Kiatisak. Họ không còn “ngây thơ mù quáng” với lối đá tận hiến để rồi phải nhận đòn đau từ những đối thủ già dơ, thực dụng hơn.
Khi tư duy thay đổi, HAGL trở thành một đối thủ vô cùng đáng gờm, bởi dàn cầu thủ của họ đã được công nhận về chất lượng. Kiatisak chưa hề nâng tầm họ, nhưng ông biết cách để giúp họ phát huy được những phẩm chất tốt nhất với một chiến thuật và cách tiếp cận các trận đấu hợp lý hơn.
Tất nhiên, chặng đường mới chỉ ở điểm bắt đầu.
Những vấn đề còn lại
Không phải chỉ dưới thời Kiatisak, HAGL mới có những giai đoạn thăng hoa. Thời điểm mà nhà cầm quân người Hàn Quốc Lee Tae Hoon mới nhận chức HLV trưởng ở vòng 7 V.League 2019, đội bóng phố Núi cũng bất bại liền 4 trận đầu tiên dưới quyền ông Lee, trong đó có trận thắng 3-0 trước Viettel ở vòng 3 ngay trên sân Hàng Đẫy.
Vấn đề lớn nhất của HAGL trong những năm vừa qua chính là sự ổn định. Sau 4 trận bất bại đó, HAGL chỉ kiếm được 2 điểm ở 7 vòng đấu sau đó.
Mùa 2020 chứng kiến một kịch bản tương tự khi HAGL khởi đầu khá tốt khi kiếm được 7 điểm sau 4 vòng đấu đầu tiên. Nhưng đội bóng phố Núi không có nổi 2 chiến thắng liên tiếp nào tính cả hai giai đoạn.
Sự bất ổn đó đến chủ yếu từ hai nguyên nhân là lực lượng và tâm lý. Trong nhiều mùa giải qua, chiều sâu lực lượng luôn là vấn đề với HAGL khi họ không có đủ quân số cần thiết cho chặng đường dài. Kiatisak cũng sẽ sớm phải đối mặt với chuyện đó ở mùa giải này, bởi dù đã có những sự tăng cường, một vài vị trí của đội chưa có được sự thay thế xứng tầm.
Vì lẽ đó, HAGL phải có sự tính toán cho từng trận đấu. Họ không thể tiếp cận mọi đối thủ bằng sự ngây thơ và cống hiến như trước. Kiatisak đã sử dụng sơ đồ 3 trung vệ, đề cao tính an toàn ở tuyến dưới và sẵn sàng chơi phòng ngự phản công khi cần thiết. Đây là lối chơi đã được Park Hang-seo áp dụng ở ĐT Việt Nam và đội U22 đem về những thành công rực rỡ, cho thấy tính hợp lý ở những tập thể có nguồn lực hạn chế.
HAGL chỉ nhận 3 bàn thua sau 5 trận đầu mùa giải. Các học trò của Kiatisak sẵn sàng tạo ra một chiếc “xe buýt” trước khung thành khi bị đối thủ lấn lướt nhưng cũng rất nguy hiểm trong những tình huống phản công bởi với lối chơi đó, khả năng càn lướt và làm tường của Brandao được phát huy bên cạnh tốc độ bứt phá đã trở thành thương hiệu của Văn Toàn.
Tâm lý của các cầu thủ cũng được chuyển biến rõ rệt mà đáng chú ý nhất là Công Phượng, Văn Thanh. Công Phượng bớt rườm rà và chăm dứt điểm hơn, trong khi Văn Thanh đang lấy lại hình ảnh của một cầu thủ đầy sức mạnh thời điểm trước khi anh gặp chấn thương nặng.
Những sự thay đổi của HAGL dưới sự dẫn dắt của Kiatisak đều có thể quan sát thấy một cách dễ dàng. Nhưng liệu đại diện phố Núi đã thực sự trở thành một ứng viên cho ngôi vô địch hay chưa thì vẫn cần thời gian để kiểm chứng, cũng như khả năng thực sự của Kiatisak, một vị tướng mà tài thao lược vẫn chưa bộc lộ hết.
Lần gần nhất đội bóng phố Núi đứng vị trí đầu bảng đã diễn ra từ vòng 1 V.League 2016. Điều trùng hợp là thời điểm đó HAGL có chiến thắng 5-0 trước Sài Gòn FC ngay trên chính sân Hàng Đẫy. Trong số 5 bàn thắng của HAGL cũng có một cú đúp của Vũ Văn Thanh.
Khởi đầu như mơ đó không giúp HAGL có một mùa giải thành công. Họ chỉ về đích ở vị trí thứ 12 chung cuộc, đứng trên hai đội bóng trong nhóm xuống hạng là Long An và Đồng Tháp.
Với cá nhân Vũ Văn Thanh, chỉ sau 5 trận mùa này anh đã có số bàn thắng bằng cả mùa V.League 2019. Mùa 2020, anh cũng chỉ có 3 pha lập công.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/kiatisak-vi-tuong-trong-suong-mu-pho-nui-635203/