Kiatisuk và cầu thủ HAGL hóa giải CLB Hà Nội
Cuộc chạm trán HAGL - CLB Hà Nội trên sân Pleiku thực tế không hấp dẫn như người hâm mộ trông đợi, nhưng đó là trận đấu hay và xứng tầm đại chiến của V.League.
Những giọt nước mắt ở cuối trận của đội trưởng Lương Xuân Trường đủ nói lên tất cả. Nó chính là sự giải tỏa những ẩn ức (có thể có) của các cầu thủ HAGL, những ẩn ức kéo dài nhiều năm. Để có được những giọt nước mắt ấy, rõ ràng bầu Đức phải cảm ơn nụ cười của huấn luyện viên (HLV) Kiatisuk.
Như Xuân Trường nói, CLB Hà Nội vẫn là đội bóng lớn, vẫn là đối thủ mà HAGL rất tôn trọng. Suốt gần 5 năm, một lứa tài năng được ngợi khen, mến mộ, được coi là “cầu thủ quốc dân” của HAGL cứ lặng lẽ trước Hà Nội dù đá ở sân nào.
Ở vào cương vị của Xuân Trường và đồng đội, nếu gặp cảnh cứ bị Hà Nội đè ra mà đá, ức quá đi chứ.
HAGL xứng đáng thắng CLB Hà Nội
Ngay cả cái câu nói đùa nhưng xót của một cầu thủ HAGL rằng “dành cả thanh xuân để trụ hạng” cũng đủ khiến chúng ta thấy các cầu thủ HAGL nói riêng và người hâm mộ đội bóng phố núi nói chung đã bị tổn thương như thế nào.
Họ đã phải sống qua cả những ngờ vực về năng lực của mình từ những người không “ưa” họ cho tới sự cảm thông hơi nhuốm màu “thương” của những người có cảm tình với họ. Thực sự, những đứa trẻ nhà bầu Đức không muốn thế. Cầu thủ HAGL biết họ tốt hơn thế.
Và khi Kiatisuk trở lại, HAGL đã khác. Tất nhiên, cái hơi thở đổi thay từ Kiatisuk đối với lứa Công Phượng, Xuân Trường... chỉ là một phần. Phần còn lại để HAGL có được phong độ như hôm nay phải là sự dũng cảm của bầu Đức và những người điều hành CLB.
Họ đã dám nhận ra cái sai lầm của mình những năm qua do quá tự tin để có thay đổi về nhân sự đội bóng. Phải thừa nhận, ngoại binh của HAGL rất chất lượng và chính họ cũng là một trong những yếu tố cơ bản để HAGL có được chiến thắng đầu tiên trước Hà Nội sau gần 5 năm đợi chờ.
Lối chơi của HAGL đã định hình sau 10 trận, và chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ Kiatissuk chủ trương để đội bóng triển khai từ sân nhà dựa trên lối chuyền bóng ngắn và sệt cùng việc duy trì khoảng cách đội hình ổn định ở cự ly gần. Điều đó khiến việc lên bóng của HAGL luôn dễ dàng hơn với nhiều hướng triển khai và cho người xem cảm giác họ luôn đủ, nếu không nói là thừa, nhân sự ở các điểm nóng trên sân.
Chính việc duy trì cự ly đội hình tốt, tạo các khối liên kết rất chặt của HAGL khiến Hà Nội bị chia cắt hoàn toàn. Tuyến giữa của CLB Hà Nội, với Moses và Tấn Tài, chỉ cho thấy sự nhiệt tình, năng nổ chứ không thể hiện được khả năng cầm nhịp trận đấu và điều phối bóng.
Và trong một ngày mà Quang Hải không thể tạo ra bước ngoặt thay đổi cục diện, Hà Nội không có cơ hội nào rõ nét khi các cầu thủ của HLV Hoàng Văn Phúc chỉ là các mảnh rời không thể liên lạc được với nhau.
Trong khi đó, chủ trương chơi thấp và phản công nhanh của HAGL tỏ ra hiệu quả. Trận này, HAGL chơi với đội hình thấp hơn hẳn, dùng ưu thế quân số để tổ chức phòng ngự chặt hơn hẳn so với tất cả trận trước đó của họ ở mùa giải này.
Đây là quyết sách quan trọng và chuẩn xác nhất. Với Kiatisuk, CLB Hà Nội dù đang khủng hoảng nhân sự đi nữa, thì vẫn là một đối thủ chất lượng cao và già giơ. Do đó, HAGL cần sự cẩn trọng trước hết và kiếm tìm chiến thắng bằng cách chắt chiu những cơ hội phát sinh.
Khi HAGL chủ trương như vậy, thì Hà Nội lại không có được một hàng thủ tập trung, khoa học và tỉnh táo. Pha để thua có thể đến từ sự bất ngờ do cú sút ngoạn mục của Xuân Trường nhưng thực tế, ở tình huống đó, hai tiền vệ trung tâm của Hà Nội đã để trống cả khoảng không gian quá rộng ở khoảng 30 m trước mặt thành.
Đó là điều tối kỵ. Nếu Xuân Trường không dứt điểm ở tình huống ấy, anh cũng vẫn có những phương án tổ chức khác đủ gây nguy hiểm cho cầu môn của Tấn Trường.
Tuy nhiên, ví dụ cụ thể nhất về sự thiếu chặt chẽ của hàng thủ CLB Hà Nội phải là tình huống ở phút 51, khi HAGL phản công với chỉ Văn Toàn và Văn Thanh. Đường chuyền của Văn Toàn cho Văn Thanh là cực nguy hiểm.
Thành Chung có liên lạc với Tấn Trường để Tấn Trường băng ra nhưng rõ ràng, việc Thành Chung khựng lại ở khoảnh khắc ấy là một sai lầm. Dù thủ thành có nghe yêu cầu băng ra đi nữa, hậu vệ không được phép ngưng đeo bám để đối thủ có thể có bóng. Văn Thanh tiếp được bóng ở pha phản công ấy và thực sự, phải nói là CLB Hà Nội đã may mà không thua thêm bàn.
HAGL chơi một trận rất hay. Nó không chỉ cho thấy họ đã tỉnh táo hơn nhiều mà còn là dấu hiệu họ có thể mở ra một chu kỳ mới, một chu kỳ thách thức và thành công. Và khi HAGL có được tín hiệu tích cực như vậy, Hà Nội cũng nên tỉnh thức bởi nếu họ không thay đổi, rất có thể họ sẽ bước vào một chu kỳ (dù ngắn) của những thất vọng.
CLB Hà Nội gây thất vọng
Chúng ta phải nhìn nhận ngoại binh của Hà Nội chưa chứng tỏ được nhiều và có vẻ như công tác chọn ngoại binh của họ đã quá chủ quan. Bruno hay không? Hay. Geovanne hay không? Hay luôn.
Tuy nhiên, cả hai cầu thủ ấy rất hay khi đá đúng đối tác và đúng hơn là đá trong một Viettel và CLB Sài Gòn từng chủ trương phản công. Hà Nội không chơi thứ bóng đá phản công ấy. Vậy thì họ lấy Bruno và Geovanne về liệu có đúng?
Trong khi đó, lứa cựu binh già dặn của CLB Hà Nội từng “làm gỏi” các đối thủ ở V.League thực sự đã già. Và khi CLB Hà Nội rơi vào cơn khủng hoảng chấn thương, thẻ phạt với toàn những cái tên đáng gờm như Hùng Dũng, Văn Hậu, Đình Trọng..., họ hiện nguyên hình là một con hổ già với niềm hy vọng vào 2 tiền đạo Tây lạc lõng và một Quang Hải đơn độc không có được hỗ trợ cần thiết nhất.
Thất bại này có thể khiến CLB Hà Nội rơi xuống nhóm 8 đội ở giai đoạn 2 và nếu đúng vậy thì quả là một mùa giải không thể chấp nhận được với ai yêu đội bóng áo tím.
Nhưng đó là một thất bại cần thiết, bởi nó đụng chạm đến niềm tự hào của CLB Hà Nội, một thế lực. Nó sẽ khiến con hổ già phải thức tỉnh bởi ở cương vị một kẻ từng thống trị, không ai muốn đổi vai trở thành kẻ bị trị.
Và tất cả đều mong CLB Hà Nội phải hồi sinh. Bởi chỉ có điều đó mới khiến V.League càng ngày càng hấp dẫn hơn khi mà HAGL đã bắt đầu thực sự chuyển mình ở tầm vóc của một ứng cử viên vô địch.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kiatisuk-va-cau-thu-hagl-hoa-giai-clb-ha-noi-post1205759.html