Kịch Bắc vào Nam
Nhờ thủ pháp dàn dựng mới lạ, sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc đã tạo được thành tựu chỉ sau 4 năm hoạt động
Sau 17 suất diễn thành công trong đợt lưu diễn tháng 6, tháng 11 này, Sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục có chuyến đưa kịch Bắc vào Nam với các tác phẩm đặc sắc phục vụ khán giả yêu thích kịch nói tại TP HCM. Điều gì đã giúp đơn vị xã hội hóa sân khấu phía Bắc này tự tin "Nam tiến" liên tục?
Nhiều cung bậc cảm xúc
Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt trong đợt lưu diễn tại TP HCM được dàn dựng trên ý tưởng của chủ đề "Kịch nghệ - Ngọn lửa tình yêu giữa Sài thành hoa lệ". NSND Lệ Ngọc cho biết bà mong muốn đem đến cho khán giả TP HCM những khoảnh khắc thưởng thức kịch Hà Nội đậm chất nhưng không thiếu phần dí dỏm, hài hước với nhiều cung bậc cảm xúc.
"Chủ đề của chuyến lưu diễn này kỳ vọng gửi gắm đến khán giả những ẩn ý về lối sống, nhân sinh quan của các tác giả về những biến chuyển của thời đại. Ở đó, cách ứng xử của con người trong cộng đồng, xã hội được thể hiện trong từng câu chuyện kịch. Thông điệp của mỗi vở diễn chính là khơi gợi ý thức sống vì cộng đồng, giữ gìn nếp sống văn hóa, truyền thống đạo đức của người Việt. Qua từng lời thoại, vai diễn và tính cách các nhân vật, khán giả sẽ tìm được sự đồng cảm với Sân khấu Lệ Ngọc, đồng thời dành trọn tình yêu cho kịch nghệ - món đặc sản không thể thiếu trong đời sống văn hóa nghệ thuật của đất Sài thành" - NSND Lệ Ngọc tâm sự.
Mang vào Nam lần này, vở kịch "Tấm Cám" (kịch bản phóng tác của nhà văn Nguyễn Hiếu, đạo diễn: Chua Soo Pong - người Singapore) có một vài dấu nhấn khác lạ so với những bản dựng của đạo diễn Việt Nam. Vốn là chuyện cổ tích quen thuộc nhưng qua cách kể chuyện của đạo diễn nước ngoài, kịch "Tấm Cám" không có cảnh bạo lực, lên án đanh thép và đặc biệt nhân vật Bụt được thay bằng hình ảnh mẹ Tấm. Bản dựng này có nhiều thủ pháp mới trong tương tác để khán giả trẻ có thể tìm được sự trải nghiệm thú vị trong nhiều chi tiết bất ngờ.
Vở kịch "Thị Nở và Chí Phèo" (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Lê Hùng) hoàn toàn không minh họa như trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, mà có sự phá cách, xây dựng hình ảnh 2 nhân vật chính là Thị Nở và Chí Phèo mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Những lát cắt đẹp của 2 nhân vật hứa hẹn sẽ tìm được sự đồng cảm của khán giả về niềm khao khát được hoàn lương của số phận một con người bị xã hội thời đó cự tuyệt. NSND Lệ Ngọc đóng 2 vai là bà Ba và Thị Nở trong vở kịch này.
Còn vở "Tình bạn và công lý" (tác giả: Minh Nguyệt, đạo diễn: Hán Quang Tú) là tác phẩm đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần IV-2020. Sự lắng đọng của câu chuyện tưởng chừng khô khan chính là người chiến sĩ phải hy sinh những riêng tư của bản thân, gia đình để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải.
Cuối cùng là vở "Sự tích Bà Chúa Ba" (tác giả: Lệ Dung, đạo diễn NSND Lê Hùng) nói về đề tài lịch sử tâm linh, vừa được dàn dựng hồi tháng 10. Câu chuyện về huyền tích Bà Chúa Ba ở chùa Hương được lồng ghép vào những thông điệp hướng thiện, hướng người xem nhìn rõ giá trị của lòng nhân ái trong cuộc sống. Từ đó gửi lời khuyên nhủ con người phải biết sống chan hòa, yêu thương, nhất là ca ngợi tấm lòng nhân hậu, vị tha của người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại.
Lôi kéo được khán giả
Trong các vở diễn toát lên tinh thần rất quý của một đơn vị sân khấu xã hội hóa đi sau nhưng đạt được nhiều thành tựu, đó là Sân khấu Lệ Ngọc luôn hướng tới những hình thức dàn dựng mới.
Tác phẩm "Sự tích Bà Chúa Ba" là vở điển hình, mang màu sắc cổ điển và hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn thủ pháp ước lệ gắn liền với phương thức diễn kịch hình thể. NSND Lê Hùng cho rằng ngày nay khán giả dễ dàng tiếp cận những chương trình sử dụng công nghệ tiên tiến nên hình thức dàn dựng kịch không mới sẽ khó kéo họ đến rạp. "Sứ mệnh của sân khấu Lệ Ngọc là hướng đến những thủ pháp dàn dựng mới, đó cũng là động lực chính để các nghệ sĩ, nhà biên kịch, diễn viên làm việc hết mình với sân khấu này trong giai đoạn hình thành sân khấu xã hội hóa, học từ các sân khấu phía Nam" - NSND Lê Hùng nói.
Là sân khấu được hình thành từ "Nhóm kịch xã hội hóa" của Nhà hát Kịch quốc gia Việt Nam, đến tháng 9-2016, CLB Sân khấu Lệ Ngọc được chính thức thành lập và là sân khấu xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội. Chỉ trong vòng 4 năm hoạt động, Sân khấu Lệ Ngọc đã có 12 kịch mục và lưu diễn ở 16 quốc gia. Liên tục các vở mới xuất hiện năm 2018-2019 đã đưa nhiều diễn viên từ không chuyên trở thành quen thuộc với khán giả qua các vở như: "Ngũ biến", "Con gà trống, "Thị Nở và Chí Phèo", "Tấm Cám", "Huyền thoại gò Rồng Ấp"... Tất cả đều hướng đến cách dàn dựng mới, tạo tiết tấu nhanh, chắc và xử lý không gian sinh động.
Năm 2018, lần đầu tiên Sân khấu Lệ Ngọc lưu diễn tại TP HCM và nhận được sự tiếp đón nồng hậu của khán giả trẻ đã tạo sinh khí mới để sàn diễn này tìm kiếm thủ pháp dàn dựng tiến bộ.
Ngay sau mùa dịch Covid-19, Sân khấu Lệ Ngọc đã sáng đèn suốt 2 tháng tại Hà Nội trước khi trở lại TP HCM. Điều lạ là tại thủ đô, Sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn lúc nào cũng đông kín khán giả. Phải chăng sự hấp dẫn của Sân khấu Lệ Ngọc chính là thủ pháp dàn dựng của các đạo diễn, khi danh sách diễn viên gần như không có ngôi sao. NSND Lệ Ngọc cho rằng chính sự kết nối giữa những người yêu sân khấu gồm có khán giả, diễn viên và vở diễn được đầu tư nghiêm túc từ khâu kịch bản, đến dàn dựng là chìa khóa để bà yên tâm đưa kịch vào Nam và sáng đèn liên tục tại Hà Nội.
Không gian nghệ thuật được kết cấu từ tiền sảnh nhà hát, mỗi vở có một tiểu cảnh để khán giả có thể hòa mình vào câu chuyện kịch ngay khi bước chân vào nhà hát. Chính điều đó đã thật sự mang đến sự cuốn hút dù kịch bản phần lớn lấy từ những tích tuồng, câu chuyện dân gian và các vấn đề gần như quen thuộc trong đời sống sân khấu.
Khao khát hướng tới chân - thiện - mỹ
Đánh giá về thủ pháp dàn dựng của Sân khấu Lệ Ngọc, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói sân khấu không khác gì ngoài đời thực, tất cả đều là những điều chân thực mà khán giả muốn được đồng cảm. Nên ngay từ kịch bản, các biên kịch đã đào sâu và làm mới những cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện thực, giữa hiện tại và tương lai. Bản thân NSND Lệ Ngọc và những người chắp bút luôn tâm niệm họ sẽ không bao giờ rời bỏ các giá trị nhân bản, nhân văn tạo nên hồn cốt dân tộc và luôn tạo một niềm tin tuyệt đối để sân khấu bật lên sự sáng trong, lương thiện, khao khát hướng tới vẻ đẹp chân - thiện - mỹ, cũng như ước mong mưu cầu hạnh phúc bằng chính nghị lực của con người.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/kich-bac-vao-nam-20201111204432387.htm