Kịch bản Gaza sẽ lặp lại với Bờ Tây - tương lai nào cho người Palestine?
Chiến dịch quân sự của Israel đã khiến ít nhất 40.000 người Palestine ở Bờ Tây phải rời bỏ nơi ở. Quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại ngay lập tức, còn người dân Palestine ở Bờ Tây lo ngại 'kịch bản Gaza' sẽ lặp lại tại vùng đất này.
Một ngày sau khi lệnh ngừng bắn ở Gaza có hiệu lực khoảng một tháng trước, quân đội Israel mở các chiến dịch quân sự ở Bờ Tây với tuyên bố chống lại các chiến binh người Palestine trú ẩn tại vùng đất này. Lần đầu tiên sau 20 năm, Israel lại điều xe tăng đến khu vực này vào cuối tuần qua, trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương.

Binh sĩ Israel. Ảnh: Shutterstock.
Trong 2 ngày nay, Israel đã dùng thuốc nổ và nhiều xe ủi phá hủy một khu vực rộng lớn của 3 trại tị nạn Jenin, Tulkarem và Nursham – nơi nhiều người Palestine mất nhà cửa trong cuộc chiến năm 1948 đang sinh sống. Người dân địa phương lo ngại, những gì đang xảy ra giống với những gì đã xảy ở trại tị nạn Jabalia, phía Bắc Gaza trước đây, với kết quả nơi này người dân không thể ở và quay về. Người dân Palestine cho biết, đang có nhiều dấu hiệu xây dựng cho thấy quân đội Israel có ý định đồn trú ở đây trong một thời gian dài.
Trong khi đó, chính quyền Palestine ở Bờ Tây cũng lo ngại kịch bản của Gaza và mục tiêu di dời người Palestine khỏi dải đất này đang được Israel tiến hành ở Bờ Tây. Phong trào thánh chiến Hồi giáo của Palestine cáo buộc Israel có kế hoạch sáp nhập Bờ Tây bằng vũ lực.
Trên thực tế, Bộ trưởng quốc phòng Israel, ông Israel Katz cũng đã chỉ thị cho quân đội chuẩn bị phương án lưu trú lâu dài tại Bờ Tây trong thời gian tới. Nhiều quan chức Israel theo đường lối cứng rắn cũng đã kêu gọi chính phủ nước này sáp nhập Bờ Tây.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar khẳng định, các bước đi của quân đội ở Bờ Tây chỉ nhằm mục đích bảo vệ an ninh và không có bất kỳ mục tiêu nào khác; song người đứng đầu chính sách đối ngoại của châu Âu Kaja Kallas vẫn chưa thể yên tâm: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và không thể che giấu mối quan ngại của mình khi nói đến Bờ Tây. Các bên đều nhấn mạnh rằng không thể có giải pháp nào khác ngoài giải pháp hai nhà nước. Chúng tôi ủng hộ Chính quyền Palestine và sự trở lại của họ tại Gaza. Chúng tôi ủng hộ sự trở lại của mọi người Palestine bị di dời, coi Gaza là nhà của họ.”
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan thẳng thắn lên án Israel cho rằng quốc gia này đang “bành trướng” sang các quốc gia láng giềng, dưới “chiếc ô bảo vệ” của Mỹ: “Chính phủ của Thủ tướng Israel Netanyahu đang lợi dụng các sự kiện hiện tại để bành trướng, với việc tiếp tục chiếm đóng Syria và Lebanon, khiêu khích Bờ Tây và nỗ lực trục xuất người Palestine khỏi Gaza. Chúng ta biết rằng, Israel đã phát triển một dự án vì an ninh của riêng mình, đặc biệt là ở các quốc gia có chung biên giới với họ, để tạo ra sự bất ổn. Chính sách này là một chính sách rất rủi ro, một chính sách có thể gây ra phản ứng dữ dội rất nghiêm trọng. Đây không phải là chính sách phục vụ cho an ninh của Israel, vì nó làm mất ổn định khu vực và khiến khu vực này dễ bị tổn thương trước mọi rủi ro, bao gồm cả khủng bố.”
Hiện tình hình Gaza vẫn chưa được dàn xếp yên ổn và lệnh ngừng bắn ở đây đang ngày một mong manh. Israel và Hamas chưa thể bước vào giai đoạn đàm phán thứ hai trong khi tương lai kiểm soát Gaza và việc tái thiết dải đất này vẫn chưa rõ ràng. Do đó, những bước đi mới của Israel ở Bờ Tây sẽ càng khiến thế giới quan ngại, còn người dân Palestine lại càng lo lắng về kịch bản Gaza tái diễn và một nhà nước cho người Palestine có thể bị đẩy ngày một xa hơn.