Kịch bản nào cho chính trường Mỹ hậu bầu cử giữa kỳ?

Cho dù đã có những kết quả đầu tiên, song kết quả chính thức của cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ có thể phải mất tới vài ngày sau mới được công bố. Điều này đồng nghĩa với việc phải mất một thời gian nữa mới biết chính trường nước Mỹ sẽ thế nào trong nửa nhiệm kỳ còn lại của đương kim Tổng thống Joe Biden.

So kè quyết liệt

Cuộc bầu cử giữa kỳ ở nước Mỹ được không chỉ dư luận và người dân Mỹ quan tâm mà cả thế giới cũng theo dõi sát sao, bởi kết quả của nó tác động không nhỏ tới chính sách đối nội và đối ngoại của cường quốc này trong ít nhất 2 năm tới. Trong đó, tâm điểm chú ý là cuộc bầu cử quốc hội liên bang, vốn được coi là mang tính chất rất quan trọng tới cán cân quyền lực, qua đó ảnh hưởng lớn chính sách cũng như đường hướng phát triển của Mỹ thời gian tới.

Tại kỳ bầu cử giữa kỳ chính thức diễn ra từ sáng 8-11 (giờ địa phương, tức tối cùng ngày giờ Việt Nam), cử tri Mỹ bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ nghị sĩ liên bang với nhiệm kỳ 2 năm; 35 trong tổng số 100 ghế Thượng nghị sĩ liên bang nhiệm kỳ 6 năm, trong đó 15 ghế hiện do đảng Dân chủ nắm giữ, 20 ghế do đảng Cộng hòa kiểm soát. Cùng với đó, cử tri Mỹ cũng bầu 36 Thống đốc bang, 30 Tổng chưởng lý và 27 Tổng thư ký bang cũng như hàng nghìn nghị sĩ cấp bang và quan chức địa phương.

Những lá phiếu của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ tác động rất lớn tới chính trường Mỹ trong 2 năm tới

Những lá phiếu của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ tác động rất lớn tới chính trường Mỹ trong 2 năm tới

Trước cuộc bầu cử, đảng Dân chủ giữ vai trò chi phối chính trường Mỹ khi đồng thời nắm giữ cả Nhà Trắng và kiểm soát lưỡng viện quốc hội, dù với đa số mong manh. Tại Hạ viện, đảng Dân chủ giữ lợi thế 220 ghế so với 212 ghế của đảng Cộng hòa, cách biệt chỉ là 8 ghế. Tại Thượng viện, sự chênh lệch còn gần như không có khi đảng Dân chủ giữ 50 ghế (gồm 48 ghế của đảng và 2 ghế độc lập), còn đảng Cộng hòa cũng nắm 50 ghế, song theo Hiến pháp Mỹ, lá phiếu quyết định của đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris kiêm Chủ tịch Thượng viện giúp đảng Dân chủ chiến thắng trong trường hợp số phiếu tại cơ quan lập pháp này của hai đảng bằng nhau.

Những kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử giữa kỳ cho thấy đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Joe Biden và Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump đang so kè hết sức quyết liệt, dù lợi thế có phần nghiêng về phía đảng Cộng hòa. Điều này cũng thường xảy ra trong các cuộc bầu cử giữa kỳ trước đây bởi cử tri Mỹ thường có xu hướng bỏ phiếu cho ứng viên của đảng không nắm giữ Nhà Trắng, vị trí quyền lực cao nhất và quan trọng nhất của nước Mỹ.

Tuy nhiên, điều quyết định nhất tới lá phiếu của cử tri Mỹ vẫn luôn là những vấn đề sát sườn liên quan tới “cơm áo gạo tiền”, nói cách khác là vấn đề kinh tế. Cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào lúc mà tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Joe Biden đang ở mức khá thấp, trong đó lạm phát cao là điều mà cử tri Mỹ không hài lòng nhất với chính quyền Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ. Theo các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử, có tới gần 3/4 cử tri Mỹ “không hài lòng” hoặc “hết sức tức giận” với tình hình trong nước và cũng có 3/4 cử tri cho rằng nền kinh tế đất nước đang ở trong tình trạng “không quá tốt” hoặc “kém”. Thậm chí, có tới 78% số cử tri cho biết lạm phát đã khiến gia đình họ gặp khó khăn ở mức độ từ “vừa phải” đến “nghiêm trọng”.

Thế nên, không ngạc nhiên khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đối với ông chủ Nhà Trắng chỉ ở mức 40%, cao hơn chút ít so với mức thấp kỷ lục hồi tháng 5-6 vừa qua. Tỷ lệ cử tri không ủng hộ hoặc cho rằng nước Mỹ đang đi chệch hướng lên tới gần 60% là những điều mà đảng Cộng hòa triệt để khai thác nhằm giành lợi thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ.

Ai sẽ kiểm soát Quốc hội Mỹ?

Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử giữa kỳ tính tới cuối giờ chiều 9-11 (theo giờ Việt Nam), đảng Dân chủ và Cộng hòa đang bất phân thắng bại tại Thượng nghị viện khi mỗi đảng cùng giành được 48 ghế trong tổng số 100 ghế. Số ghế tại Hạ nghị viện tạm nghiêng về phía đảng Cộng hòa với 198 ghế so với 178 ghế của đảng Dân chủ, song điều này không có nghĩa là đảng của cựu Tổng thống Donald Trump đã có thể thu được ít nhất 218 ghế để giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này.

Trước khi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 được công bố, giới phân tích cho rằng, chính trường nước Mỹ từ nay tới cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11-2024 sẽ diễn biến theo 3 kịch bản. Đó là, đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát lưỡng viện Quốc hội như trước; đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng nghị viện, trong khi đảng Cộng hòa chiến thắng và giành quyền kiểm soát tại Hạ nghị viện; và đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào tay đảng Cộng hòa. Giới quan sát cho rằng, kịch bản đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng nghị viện, đảng Cộng hòa giành chiến thắng và kiểm soát Hạ nghị viện nhiều khả năng xảy ra nhất.

Việc chính đảng nào trong hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nắm quyền kiểm soát một viện hoặc lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng đều ảnh hưởng rất lớn tới các quyết sách đối nội và đối ngoại sắp tới của nước Mỹ. Trong trường hợp đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát lưỡng viện Quốc hội như trước, Tổng thống Joe Biden sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc đề ra cũng như triển khai các chính sách, quyết định của mình. Song, ông chủ Nhà Trắng sẽ buộc phải thỏa hiệp, thậm chí là nhượng bộ trong nhiều vấn đề quan trọng nếu đảng Cộng hòa kiểm soát một viện hoặc lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Sự thỏa hiệp và nhượng bộ này ít hay nhiều phụ thuộc vào việc đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden còn giữ vai trò kiểm soát được một viện hay mất quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội vào tay đối thủ Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump.

Các cuộc bầu cử giữa kỳ thường được coi là một cuộc trưng cầu dân ý trong 2 năm cầm quyền đầu tiên của một nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Dù cuộc bầu cử không ảnh hưởng gì tới vị trí chủ nhân Nhà Trắng, song kết quả của nó lại là thông điệp mạnh mẽ của cử tri Mỹ với các chính sách cũng như cách thức điều hành đất nước của Tổng thống Joe Biden. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất tới cuộc sống của đại đa số cử tri Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang rất cần sự hậu thuẫn, ủng hộ mạnh mẽ từ Quốc hội để thông qua các chính sách, quyết định ứng phó. Trường hợp đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ nghị viện cũng đồng nghĩa với cuộc chiến ngân sách, tài khóa giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol sẽ leo thang và rất có thể lại tái diễn tình trạng đóng cửa chính phủ.

Kết quả bầu cử giữa kỳ còn ảnh hưởng rất lớn đến chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ sau đây 2 năm, đặc biệt là khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái tranh cử. Khi mà các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số cử tri Mỹ được hỏi ý kiến cho biết không muốn đương kim Tổng thống Jode Biden tái tranh cử, một kết quả tích cực tại cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ là niềm tin, là động lực để ông tiếp tục cuộc đua được dự báo hết sức quyết liệt trong cuộc bầu cử năm 2024. Trường hợp đảng Cộng hòa giành chiến thắng sẽ là cú hích mạnh để cựu Tổng thống Donald Trump sớm tuyên bố tái tranh cử. Cuộc bầu cử năm 2024 nếu có sự tái xuất hiện của ông Donald Trump chắc sẽ hết sức nóng bỏng, thu hút sự quan tâm sâu sắc của cả thế giới.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kich-ban-nao-cho-chinh-truong-my-hau-bau-cu-giua-ky-post522453.antd