Kịch bản nào cho ông Trump và câu hỏi nước Mỹ ra sao hậu bầu cử…
Khi nhiều bất lợi bủa vây Trump trong chặng nước rút, nhiều người lo ngại ông có thể thảm bại. Tuy nhiên, mọi kịch bản trong bầu cử Mỹ đều có thể xảy ra ở phút chót.
Lịch sử có lặp lại?
Theo CNN, Tổng thống Mỹ gần đây nhất gặp rắc rối tái tranh cử như Tổng thống Donald Trump hiện giờ là Jimmy Carter với cuộc bầu cử năm 1980. Suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng quốc gia là hai yếu tố khiến ông Carter bại trận trước ứng viên đảng Cộng hòa Ronald Reagan.
John Harwood nhà phân tích của CNN so sánh bế tắc của chính quyền Tổng thống Trump trước Covid-19, đại dịch khiến hơn 230.000 người Mỹ tử vong, cũng giống như việc cựu tổng thống Jimmy Carter bất lực trước cuộc khủng hoảng con tin Iran 40 năm trước. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng đang đối mặt với suy thoái kinh tế vì đại dịch.
Dựa trên tính toán về tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden và ông Trump trong các nhóm nhân khẩu học quan trọng, chuyên gia Wasserman nhận định, nếu Biden vẫn giữ được lợi thế trên các bang chiến trường, ứng viên Dân chủ có thể chiến thắng với hơn 400 phiếu đại cử tri, giống như Reagan 40 năm trước.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng Tổng thống Trump không có nhiều khả năng đối mặt kịch bản tương tự Carter vì ba lý do.
Tổng thống Trump có nền tảng ủng hộ nhỏ nhưng vững chắc, chủ yếu tập trung ở nhóm cử tri da trắng vùng nông thôn, tín đồ của phái Phúc âm và nhân viên cổ cồn xanh.
Khi đắc cử năm 2016, ông Trump chỉ nhận được 46,1% phiếu ủng hộ và không cải thiện được tình hình sau 4 năm cầm quyền. Theo tính toán của Telegraph dựa trên số liệu 10 cuộc khảo sát gần nhất, tỷ lệ ủng hộ trung bình của Tổng thống Mỹ hiện khoảng 45%, trong khi 53% không tán thành cách ông điều hành đất nước.
Khảo sát của FiveThirtyEight tuần trước cũng chỉ ra tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Trump không giảm quá nhiều so với mức sàn 42,5%, dù ông vấp nhiều chỉ trích về xử lý đại dịch, suy thoái kinh tế, tình trạng bất ổn liên quan tới phân biệt chủng tộc.
Dù thấp hơn mức ủng hộ mà nhiều tổng thống tiền nhiệm nhận được trong giai đoạn này, tỷ lệ ủng hộ của Trump được đánh giá tương đối ổn định trong suốt 4 năm nhiệm kỳ.
Quan điểm chính trị khác biệt giữa các bang có thể là yếu tố khiến cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên khó lường, tạo cơ hội để Tổng thống Trump giành chiến thắng.
Năm 2000, ông George W. Bush từng bất ngờ giành chiến thắng chung cuộc về số phiếu đại cử tri dù thua đối thủ Al Gore 0,5 điểm phần trăm về số phiếu bầu phổ thông. Năm 2016, Tổng thống Trump cũng đánh bại ứng viên Hillary Clinton khi giành được nhiều phiếu đại cử ri hơn, dù thua đối thủ 2 điểm phần trăm về phiếu bầu phổ thông.
Năm nay, diễn biến gay cấn ở các bang chiến trường quan trọng đồng nghĩa ông Trump vẫn có cơ hội tái đắc cử dù thua số phiếu bầu phổ thông trước đối thủ Biden. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 có thể minh chứng cho nhận định này.
"Ngay cả khi dẫn trước 8 điểm phần trăm trong các cuộc khảo sát quốc gia, điều này không đủ để đảng Dân chủ chiến thắng ở Ohio hay Iowa. Nó cũng không đủ để giữ được Florida", Amy Walter, biên tập viên của Cook Political Report, nhận định.
Harwood, nhà phân tích của CNN, đánh giá Tổng thống Trump đang vận động tốt tại các bang quyết định hơn là trên toàn quốc. Ngoài ra, chiến thắng sít sao của Trump tại các bang nghiêng về bảo thủ như Georgia, Iowa và Bắc Carolina có thể hạn chế thiệt hại mà phe Cộng hòa có thể gặp phải trong cuộc đua vào Thượng viện. Năm 2016, các vị trí trong Thượng viện tại mỗi bang đều thuộc về những người cùng đảng với ứng viên tổng thống chiến thắng ở bang đó.
Hiệu ứng năm 2016 là yếu tố thứ ba khiến một số chuyên gia cho rằng Trump và đảng Cộng hòa không bại trận như cựu tổng thống Jimmy Carter.
Các cuộc khảo sát năm 2016 đều nghiêng về ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. Tuy nhiên, một số cuộc thăm dò tại các bang chiến trường quan trọng đã đánh giá thấp quy mô của khối cử tri giai cấp công nhân. Những sai sót đó cùng lựa chọn của những cử tri quyết định vào phút chót đã mang tới chiến thắng bất ngờ cho ông Trump trong ngày bầu cử.
4 năm sau, kết quả thăm dò trong chiến dịch cũng có lợi cho phe Dân chủ, khi Biden duy trì khoảng cách lợi thế tương đối lớn với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo các cuộc thăm dò đang đánh giá thấp nền tảng ủng hộ dành cho Trump và vai trò của những các cử tri chưa quyết định.
Thậm chí chính ứng viên Dân chủ Biden cũng cho rằng Tổng thống Trump vẫn có cơ hội chiến thắng khi trả lời phỏng vấn được phát sóng trên CBS hôm 25/10.
Liệu có phát sinh một “cuộc chiến pháp lý”?
Bầu cử TT Mỹ luôn gay cấn và hấp dẫn, câu trả lời cho câu hỏi "Nước Mỹ hướng về đâu?" phụ thuộc trước hết vào kết quả bầu cử tổng thống và quốc hội, đặc biệt vào kết quả bầu cử tổng thống. Nếu tái đắc cử tổng thống, ông Donald Trump sẽ coi sự tái đắc cử này là sự khẳng định kết quả cầm quyền nhiệm kỳ đầu và chắc chắn sẽ còn quyết liệt. Thậm chí có ý kiến cho rằng ông còn thái quá hơn nữa, với việc theo đuổi những quan điểm chính sách cầm quyền lâu nay, đặc biệt trong những vấn đề như người nhập cư và tị nạn, quyền sử dụng súng, hạn chế sự tham gia của Mỹ ở các tổ chức và thể chế đa phương quốc tế, quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và các đồng minh ở Châu Âu, trong cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine…
Theo các nhà phân tích, nếu ông Joe Biden trở thành tổng thống mới của nước Mỹ, rất nhiều quyết sách cầm quyền của ông Donald Trump sẽ bị sửa đổi hoặc thậm chí hủy bỏ. Ở thời kỳ ban đầu, ông Joe Biden sẽ tiếp nối quan điểm chính sách cầm quyền của Tổng thống Barack Obama, sau đấy mới dần gây dựng dấu ấn cầm quyền riêng.
Trong nhiệm kỳ cầm quyền sắp kết thúc, ông Donald Trump đã làm thay đổi rất cơ bản các mối quan hệ của nước Mỹ với thế giới bên ngoài và làm thay đổi nước Mỹ trong chừng mực nhất định. Sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ xã hội và trên chính trường nước Mỹ đã xuất hiện từ trước khi ông Donald Trump lên cầm quyền. Ông Donald Trump đã không khắc phục được tình trạng ấy nếu như không muốn nói là người này không có chủ ý khắc phục nó. Ông Donald Trump chứng tỏ quyết tâm thực hiện những cam kết tranh cử nhưng mới chỉ thực hiện được ít trong số ấy. Không phải đảng Dân chủ với đa số trong hạ viện mà dịch bệnh COVID-19 mới đẩy ông Trump vào tình thế khó khăn và khó xử nhất. Người Mỹ và thế giới bên ngoài đều thấy ông Donald Trump đến nay vẫn chưa thành công với việc dẫn dắt nước Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng có tên gọi là dịch bệnh này. Sau 4 năm cầm quyền của ông Donald Trump, nước Mỹ gặp khó khăn và thách thức lớn về kinh tế và xã hội, vai trò và ảnh hưởng của nước Mỹ ở thế giới bên ngoài bị suy giảm và hoài nghi.
Vì thế, cử tri Mỹ năm nay đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống và quốc hội trong tâm trạng bất an bất ổn về tương lai của nước Mỹ. Hệ thống bầu cử độc đáo ở Mỹ giúp cho ông Donald Trump có thể một lần nữa đắc cử khi không có được đa số phiếu bầu phổ thông. Mọi dấu hiệu cho đến thời điểm hiện tại đều thiên về hướng có lợi cho ông Joe Biden. Nhưng chính điều ấy lại có thể trở thành động lực quan trọng và quyết định thôi thúc cử tri trung thành với ông Donald Trump và đảng Cộng hòa đi bỏ phiếu giúp ông Donald Trump đắc cử.
Nếu ông Donald Trump thắng cử thì ông Joe Biden sẽ nhanh chóng công nhận thất cử như đã tuyên bố. Nhưng nếu ông Joe Biden thắng cử thì ông Donald Trump chắc sẽ phát động cuộc chiến pháp lý sau bầu cử để vớt vát cơ hội duy trì được quyền lực thông qua phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ mà phe cánh ông Donald Trump đã dàn xếp nhân sự thẩm phán đảm bảo có đa số áp đảo thuận cho mình và phe mình - trừ khi ông Joe Biden thắng cử một cách vang dội.
Cả khi nước Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống này tiếp tục hướng đường đi lâu nay hay rẽ vào ngả khác thì phía trước vẫn đều chưa rõ ràng….