Kịch bản tăng trưởng 'hậu Covid-19'

Thủ tướng vừa chủ trì 'hội nghị Diên Hồng' với các doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, bàn thảo giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển lại sản xuất cho các doanh nghiệp, đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng qua đại dịch Covid-19.

Trong phần kết luận hội nghị, Thủ tướng cho rằng, tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các địa phương; không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiền Giang ngay từ giữa tháng 4, khi còn trong giai đoạn cách ly chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn về kịch bản tăng trưởng sau Covid-19 và hạn, mặn.

Điều này thể hiện sự chủ động trong điều hành, tinh thần quyết liệt trong lãnh đạo của UBND tỉnh cùng các ngành, địa phương; tất cả phấn đấu cho một kết quả tốt nhất trong năm cuối của nhiệm kỳ.

Qua hội nghị, ta thấy bức tranh kinh tế của Tiền Giang trong quý I-2020 vẫn có những “điểm sáng” mặc cho những tác động từ hạn, mặn và dịch bệnh; nhiều lĩnh vực có tăng trưởng, môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định.

Cụ thể, 183 doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 7% so với cùng kỳ), thu hút 10 dự án (4 dự án FDI), tăng 3 dự án so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công 6.846 tỷ đồng, tăng gấp 2,65 lần so với quý I-2019...

Tuy nhiên, như khó khăn chung cả nước, tăng trưởng trong quý I của tỉnh có chậm lại so với cùng kỳ, đây là khó khăn đặt ra cho bài toán tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Giải pháp nào, khâu nào cần làm ngay, làm quyết liệt để bù lại mức hụt tăng trưởng trong quý I cũng như làm “đòn bẩy” cho những tháng còn lại của năm 2020?

Tiền Giang cần phát huy những “điểm sáng” trong quý I, đó là giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư... Ngoài ra, là tỉnh không có ca nhiễm Covid-19, ít bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, nên Tiền Giang cần đánh giá lại nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, du lịch trong nước và ngoài nước để có thể “đón đầu” khi dịch đã qua đi.

Trước mắt, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư công trọng điểm của tỉnh, xúc tiến nhanh các dự án đang mời gọi đầu tư; cùng các chính sách về tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng xã hội bị ảnh hưởng từ dịch bệnh...

Rõ ràng hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa từng ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch là việc làm quan trọng, cấp thiết hiện tại. Bởi ngoài những tác động tiêu cực, dịch bệnh Covid-19 cũng mở ra nhiều cơ hội mà nếu chúng ta biết tận dụng, kịp thời sẽ góp phần củng cố lại sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.

Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, với sự chỉ đạo quyết liệt, điều hành linh hoạt của lãnh đạo tỉnh; cơ hội để chúng ta phát triển nhanh không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát, hoặc chí ít cũng đạt mức sàn như kế hoạch năm đã đề ra.

D.S

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202005/kich-ban-tang-truong-hau-covid-19-899058/