Kịch bản thử hạt nhân lần bảy của Triều Tiên: Gặp khó từ Trung Quốc?
Việc Triều Tiên phá vỡ lệnh cấm thử hạt nhân có thể đẩy nước này vào tình thế đối đầu với đồng minh thiết yếu.
Bất chấp sự cảnh giác của Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, vẫn chưa có động tĩnh nào từ phía Triều Tiên về việc nước này thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của người sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành (ngày 15/4). Và cho đến ngày 25/4, ngày kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Triều Tiên, cũng vẫn chưa có tín hiệu gì về các hành động quân sự của Bình Nhưỡng.
Dù chưa thể hoàn toàn dỡ bỏ cảnh giác về khả năng Triều Tiên thực hiện các hành động quân sự, tờ Nikkei Asia dẫn nhận định từ giới chuyên gia rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dù tính toán ra sao thì ông cũng sẽ rất mạo hiểm nếu tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, đặc biệt là hệ lụy với đồng minh Trung Quốc.
Sức mạnh hạt nhân là "lằn ranh đỏ"
"Hãy xem Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân. Nhưng tôi không nghĩ Triều Tiên sẽ làm điều đó vì một vụ thử như vậy sẽ gây ra căng thẳng đáng kể đối với giới lãnh đạo Trung Quốc", một nguồn tin nội bộ Triều Tiên cho biết sau khi ông Kim ra tín hiệu tại cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 19/1 rằng sẽ tiếp tục các vụ thử hạt nhân và tên lửa xuyên lục địa ICBM.
Nếu so sánh giữa thử hạt nhân và thử nghiệm ICBM, thì việc phóng thử một tên lửa ICBM có tầm bắn tới lục địa Mỹ sẽ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dễ chấp nhận hơn vì điều đó sẽ giúp Bắc Kinh có thêm một lựa chọn trong tác chiến quân sự với Mỹ.
Triều Tiên đã phóng thử một loại vũ khí mà họ tuyên bố là ICBM Hwasong-17 mới vào Biển Nhật Bản vào ngày 24/3. Khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc họp khẩn vào ngày hôm sau, Trung Quốc và Nga, cả hai đều là thành viên thường trực của HĐBA, đều phản đối đề xuất tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng.
Nguồn tin trên cho biết Triều Tiên tin rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép nước này sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc tiến hành các vụ thử hạt nhân mở đường cho Bình Nhưỡng nắm giữ thành công loại vũ khí nguy hiểm này.
Triều Tiên sẽ khó có thể quên sự phẫn nộ của Trung Quốc sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu – vụ thử lớn nhất cho đến nay vào ngày 3 tháng 9 năm 2017.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố ngay lập tức sau sự kiện đó, chỉ trích Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân bất chấp sự phản đối của quốc tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết chính phủ nước này kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ vụ thử vũ khí lần này. Tuyên bố này trang trọng hơn phát biểu của người phát ngôn bộ ngoại giao và có những từ ngữ cứng rắn hơn.
Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc lên án bằng lời nói. Họ cũng đã bỏ phiếu cho một nghị quyết của HĐBA kêu gọi thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Nghị quyết này đã được thông qua vào ngày 11/9 cùng năm và hạn chế xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Ngoài ra, Bắc Kinh được cho là đã cấm nhập khẩu hàng may mặc từTriều Tiên, mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của nước này sau than, ngay cả trước khi nghị quyết trên được thông qua.
Tuy nhiên, những hành động cứng rắn hơn còn nằm phía sau. Tháng 12 năm đó, ông Tập Cận Bình đã ra lệnh mở các trại tị nạn dọc biên giới với Triều Tiên có thể chứa hàng trăm nghìn người. Trung Quốc cũng mở thêm các cơ sở đóng quân để chuẩn bị cho tình huống bất trắc trên Bán đảo Triều Tiên.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiết lộ trong một bài phát biểu rằng Washington đã thảo luận với Trung Quốc về cách đối phó với vấn đề người tị nạn và cách giải quyết kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Theo quan điểm của Trung Quốc, Triều Tiên với tư cách là một cường quốc hạt nhân lớn sẽ làm thay đổi tình hình khu vực và cán cân quyền lực giữa hai nước. Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương vào thời điểm đó đã gặp chủ tịch đảng Công minh Nhật Bản Natsuo Yamaguchi, tại Bắc Kinh và nói rõ rằng Trung Quốc kiên quyết chống lại việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông viện dẫn khả năng Trung Quốc có thể trở thành nạn nhân lớn nhất của loại vũ khí này, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh không muốn có sự nhầm lẫn về điều đó cũng như để xảy ra xung đột trên Bán đảo Triều Tiên.
Phản ứng cứng rắn của Trung Quốc hẳn đã khiến ông Kim nhận ra "lằn ranh đỏ" trong quan hệ giữa hai nước này.
Tham vấn với Bắc Kinh về mọi kịch bản quân sự hạng nặng?
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu, Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo bay qua Hokkaido, Nhật Bản. Vào tháng 11 cùng năm, họ tuyên bố "đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hoàn thiện sức mạnh hạt nhân quốc gia" với vụ bắn thử ICBM Hwasong-15. Nước này sau đó bất ngờ thay đổi chiến lược và bắt đầu đối thoại với cộng đồng quốc tế sau khi tham gia Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc vào tháng 2/2018.
Nguyên tắc theo đuổi phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên của Trung Quốc vẫn còn nguyên giá trị. Khi ông Tập đến thăm Triều Tiên vào tháng 6 năm 2019, ông đã thúc giục ông Kim tiếp tục đối thoại phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Tuy nhiên, kế hoạch phát triển vũ khí 5 năm được thông qua tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 1 năm 2021 vẫn bao gồm việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật và sản xuất đầu đạn hạt nhân cỡ lớn. Triều Tiên tin rằng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chính quyền nước này.
Triều Tiên ngày 17/4 thông báo đã bắn thử thành công "vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới" và các hình ảnh vệ tinh mới nhất cũng cho thấy công việc sửa chữa đang được tiến hành tại một đường hầm dẫn tới một cơ sở hạt nhân dưới lòng đất ở Punggye-ri, phía đông bắc Triều Tiên.
Vẫn chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ thực hiện những hành động quân sự như thế nào, nhưng các nhà phân tích phần lớn đều có chung nhận định rằng Triều Tiên sẽ thỏa thuận trước với Bắc Kinh nếu nước này lên kế hoạch thử hạt nhân hoặc phóng ICBM, cũng như có lường trước nguy cơ trừng phạt bổ sung và các hành động của LHQ.