Kích cầu du lịch Đông Nam Á: Cơ hội phục hồi hậu đại dịch Covid-19
Các quốc gia khu vực ASEAN cần thống nhất chung các quy tắc về thủ tục đi lại và y tế…cho phép các nước nắm bắt thị trường mới, kích cầu ngành du lịch.
Chuyển đổi để phục hồi
Với tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức cao và kiểm soát dịch Covid-19 khá thành công, nhiều quốc gia Đông Nam Á bắt đầu mở cửa du lịch để kích cầu nền kinh tế. Tuy nhiên lượng khách du lịch quốc tế chưa đạt như kỳ vọng nên các nước đang nỗ lực đa dạng hóa các giải pháp để thu hút khách du lịch quốc tế.
Một biện pháp không chỉ các quốc gia Đông Nam Á mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện để thu hút khách du lịch đó là nới lỏng các điều kiện nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách quốc tế, bao gồm khôi phục chính sách visa như trước dịch, mở cửa với điều kiện cởi mở nhất….
Các khu nghỉ dưỡng của Bali (Indonesia) trong tháng này đã đón khách du lịch nước ngoài với các quy tắc phòng dịch được nới lỏng như khách du lịch quốc tế đã tiêm vaccine không cần phải cách ly, thanh toán tiền đặt phòng khách sạn tối thiểu 4 ngày. Campuchia từ cuối tháng 1/2022 đã phát động chiến dịch mang tên "Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn", theo đó toàn bộ du khách đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đều được hoan nghênh mà không cần cách ly. Thái Lan đã nối lại chương trình “Test & Go” ( cho phép khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ chỉ phải lưu lại một đêm tại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm Covid-19)
Các quốc gia cũng có sự chuyển đổi chiến lược kích cầu, tập trung thu hút nhóm khách du lịch ở các chặng đường ngắn, chủ yếu là các nước khu vực để bù đắp số lượng khách quốc tế từ các thị trường như Trung Quốc hay châu Âu sụt giảm. Thái Lan cũng đặt kế hoạch trong năm nay thu hút khoảng 800.000 du khách trong khu vực.
Tăng tốc trong cuộc đua hậu Covid-19
Để kích cầu ngành du lịch, mỗi quốc gia cần có kế hoạch và chiến lược riêng nhưng sự hợp tác khu vực và toàn cầu là cần thiết. Các nước sẽ cần hợp tác với nhau ở cấp khu vực, chủ yếu thông qua các cơ chế của ASEAN nhưng cũng cần hợp tác lớn hơn với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước hết là tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển xuyên biên giới của khách du lịch. Các quốc gia cần công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của nhau, hài hòa các quy tắc về thủ tục đi lại …
Ngoài các chiến dịch du lịch quốc gia (như chiến lược More Fun Awaits của Phillipines hay Live Fully in Vietnam), ASEAN nên thúc đẩy hợp tác thông qua các nền tảng kỹ thuật số chung, chia sẻ thông tin và đồ họa về thực hành du lịch an toàn. Đại dịch làm cho việc áp dụng kỹ thuật số và các công cụ công nghệ khác càng trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên khi triển khai công nghệ “không tiếp xúc” hoặc đặt phòng và thanh toán trực tuyến cho các giao dịch liên quan đến du lịch, các nước nên hợp tác và chia sẻ luồng dữ liệu xuyên biên giới để biết thông tin liên quan đến hộ chiếu vaccine hoặc giấy chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số.
Sự chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực phục hồi hậu đại dịch giữa các quốc gia cũng rất cần thiết. Một số cơ quan du lịch cấp quốc gia đã bắt đầu làm việc với các đại lý du lịch trực tuyến, công ty viễn thông và công ty dịch vụ tài chính để đảm bảo sự hiệu quả của các chính sách. Ví dụ: Tổng cục Du lịch Singapore đã hợp tác với VISA, Mastercard và nền tảng đặt phòng du lịch kỹ thuật số Klook cho chiến dịch “Khám phá Singapore”. Tổng cục Du lịch Thái Lan đã hợp tác với đại lý du lịch trực tuyến Agoda để hỗ trợ chương trình du lịch nội địa của chính phủ. Những kinh nghiệm này có thể được chia sẻ và nhân rộng ở cấp khu vực.
Việc đánh giá sớm các rủi ro, chuyển đổi chính sách, áp dụng công nghệ mới và quan trọng hơn là kiểm soát tốt dịch Covid-19 không chỉ đảm bảo khả năng phục hồi hậu đại dịch mà còn xây dựng tính bền vững và thích ứng tốt của khu vực trước các đại dịch và những nguy cơ khác trong tương lai./.