Kích cầu tiêu dùng để thúc 'cỗ xe tam mã'
Trong hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào ngày 2-7-2020, đề cập đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nửa đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ ra 'sốt ruột' khi một số địa phương trong cả nước có tăng trưởng âm.
Để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước, Thủ tướng ví von cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như một “cỗ xe tam mã”, gồm 3 cấu phần quan trọng nhất là: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Và để thúc đẩy phát triển, bắt buộc phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả “ba con ngựa kéo” trên một cách đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất.
Nhìn nhận một cách khách quan, trong “ba con ngựa kéo” ấy thì “con ngựa tiêu dùng” được đánh giá rất triển vọng bởi có thể gây được tiếng vang, lòng tin của người dân một cách nhanh nhất. Thực tế, vài tháng qua, thu nhập từ việc làm của người lao động bị suy giảm dẫn tới sức mua của toàn xã hội cũng giảm theo. Việc tiết kiệm chi tiêu của hộ gia đình, cá nhân dẫn đến sức thanh khoản của thị trường trong nước giảm sút, từ đó kéo theo sức kích thích tăng trưởng nền kinh tế cũng ở mức thấp.
Nhưng ngay khi dịch bệnh được khống chế, những tín hiệu tích cực từ thị trường trong nước đã góp sức để bức tranh kinh tế được khả quan hơn. Từ du lịch đến tiêu dùng, từ Bắc tới Nam, các chương trình kích cầu nội địa đang được nhiều bộ, ngành, địa phương và người dân tích cực tham gia. Thị trường nội địa không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn do dịch Covid-19 mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, hiểu được nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước để điều chỉnh, tạo ra lợi thế cạnh tranh so với hàng ngoại nhập.
Mặc dù vậy, muốn phát triển bền vững, lâu dài thì việc kích cầu thị trường nội địa, trở lại sân nhà không chỉ là việc làm riêng của doanh nghiệp nào mà phải cần đến một chiến lược chung của quốc gia. Từ xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh. Ngoài ra, cần phát triển trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics. Cùng với đó là những vấn đề liên quan khác để doanh nghiệp khi quay lại thị trường nội địa có môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.
Xu thế kinh tế thế giới trong tương lai sự hợp tác, hội nhập vẫn là chủ đạo nhưng thực tế với chiến tranh thương mại, những diễn biến của dịch bệnh đã khiến cho việc toàn cầu hóa gặp nhiều trắc trở. Trong bối cảnh đó, nhiều nước quay trở lại kích thích, phục hồi tăng trưởng bằng cách thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Với Việt Nam, một thị trường có dân số tương đối lớn, trong lúc gặp khó khăn từ xuất khẩu, rõ ràng “con ngựa” tiêu dùng là bài toán hữu hiệu cả về trước mắt lẫn lâu dài cho việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.