Kích cầu tiêu dùng nội địa

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 4.148 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước... Mặc dù vậy, người tiêu dùng đang có xu hướng chi tiêu cẩn trọng hơn trước những thách thức của kinh tế đất nước. Đây chính là khó khăn đối với kích cầu tiêu dùng nội địa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhận định về các động lực tăng trưởng chính trong năm 2024, chuyên gia kinh tế cho rằng, cầu tiêu dùng vẫn là yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế, bên cạnh sự lan tỏa của hoạt động đầu tư công và xuất khẩu. Do đó, Chính phủ phải xác định thị trường trong nước là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế.

Với quy mô 100 triệu dân, thị trường nội địa bao gồm thương mại, dịch vụ đang đóng góp chính vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Ngành dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 49,76% GDP 6 tháng đầu năm 2024; tỷ trọng lao động có việc làm chiếm gần 40% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.

Nhờ nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, khu vực dịch vụ giữ vững tăng trưởng cao trên 6,6% từ đầu năm đến nay. Cụ thể, trong 8 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 426,6 nghìn tỷ đồng...

Kết quả trên nhờ những giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa nằm ở công cụ thuế, mở rộng tín dụng tiêu dùng và tiếp tục cải cách thể chế. Tiêu biểu như đối với chính sách thuế, Quốc hội đã đồng ý với chủ trương kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đến hết năm 2024. Đối với chính sách tiền tệ, các ngân hàng tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng và rà soát lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản nhằm đẩy mạnh giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội...

Theo các chuyên gia kinh tế, trong lúc các trụ cột tăng trưởng như xuất khẩu gặp khó, đầu tư cần thời gian để lan tỏa thì thúc đẩy trụ cột tiêu dùng chính là giải pháp nhanh nhất, ít tốn kém nhất nhưng có khả năng đạt hiệu quả cao nhất. Bởi, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác để đóng góp cho tăng trưởng GDP năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa không chỉ đơn thuần thực hiện theo các giải pháp truyền thống mà cần gắn với tiêu chí mới về tăng trưởng xanh, giảm thiểu carbon, để từ đó lan tỏa cho các ngành sản xuất trong nước. Doanh nghiệp cần nắm bắt các cơ hội đến từ việc triển khai thực hiện các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia, khu vực trên thế giới để vận hành cụ thể vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế nhằm củng cố niềm tin cho nhà đầu tư; tìm giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đặc biệt là trong bối cảnh sau khi các luật mới gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vừa được ban hành.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng loạt, hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch, đặc biệt là các chương trình kết nối cung, cầu trên nền tảng số, thương mại điện tử. Cùng với đó là tiếp tục triển khai quyết liệt các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và ổn định giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh.

Tháo gỡ được những thách thức nói trên sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam “vượt cơn gió ngược” để khôi phục đà tăng trưởng bền vững.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kich-cau-tieu-dung-noi-dia-post481503.html