Kích cầu tiêu dùng nội địa – đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế
Theo các chuyên gia kinh tế, mô hình phục hồi kinh tế hiện nay là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài.
Theo Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi.
Ngoài ra, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ; chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020... Về tiềm năng phát triển, thị trường phân phối của Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỉ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%.
Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều cơ hội để phát triển. Thời điểm sau dịch Covid-19, kích cầu tiêu dùng là một trong những biện pháp hiệu quả để giúp khơi thông và tái cấu trúc nền kinh tế đất nước.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, việc mở cửa sớm thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp vào cuộc tái khởi động. Muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đặt thị trường trong nước lên hàng đầu. Bởi quy mô của một thị trường gần 100 triệu dân với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tiến trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh, tầng lớp trung lưu bùng nổ, chính là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
“Khi doanh nghiệp gặp khó về thị trường tiêu thụ, thì việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho doanh nghiệp Việt. Gói kích cầu lớn nhất chính là tình yêu nước, yêu doanh nghiệp Việt của người tiêu dùng Việt trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đến nay, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Các hoạt động của đời sống xã hội cũng đã nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới. Đây chính là thời điểm để Việt Nam bắt đầu chuẩn bị các kịch bản, dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn kiện, dự thảo tham mưu cho Chính phủ mà điểm chung của mô hình phục hồi kinh tế hiện nay đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài.
“Để làm được điều đó, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Nói về hướng phát triển kinh tế trong nước hậu Covid-19, ông Phương khẳng định, mô hình phục hồi kinh tế hiện nay đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài, đồng thời phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng mới của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ.
Vì thế, để làm được điều này thì kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế có chung nhận định, lĩnh vực tài chính tiêu dùng, tuy chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động tín dụng của cả nền kinh tế nhưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn tài chính tạm thời, thúc đẩy tiêu dùng xã hội, thông qua đó thúc đẩy sản xuất và đóng góp một cách trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương cho rằng, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân trong và cả sau dịch. Đồng thời, tiếp tục có những giải pháp để khai thác triệt để những cơ hội, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp thương mại...
Triển khai kịp thời và hiệu quả các Chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua hai công cụ: kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó, chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững; Cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối trên thị trường trong nước…/.