'Kích cầu' vào hạ tầng để thu hút đầu tư FDI
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc và các Bộ liên quan để phân giao nhiệm vụ đầu tư IC2 và IC5 thuộc Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Mục đích chính của việc phần giao nhằm để UBND tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng vốn ngân sách của địa phương thực hiện đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Xét đề nghị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan về việc đầu tư nút giao IC2, IC5 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, sử dụng ngân sách địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến:
Do ngân sách Trung ương còn khó khăn, trong khi thực tế đòi hỏi phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương rất cần thiết.
Gần đây nhiều địa phương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư đường quốc lộ đi qua các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để tạo điều kiện cho tỉnh Vĩnh Phúc chủ động đầu tư các dự án nằm trên địa bàn Tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các bộ liên quan để phân giao nhiệm vụ đầu tư IC2 và IC5 thuộc Dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để UBND tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng vốn ngân sách của địa phương thực hiện đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Thời gian gần đây, Vĩnh Phúc được biết đến là một trong những tỉnh có hạ tầng giao thông tương đối hiện đại, đồng bộ, phát huy thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân.
Đến nay, nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như:
Đường Vành đai 3 trong quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc, Đường tỉnh (ĐT) 310, đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh, đường Hợp Thịnh - Đạo Tú, các tuyến đường đến trung tâm huyện, xã đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch; các tuyến đường giao thông nông thôn, đường trục chính giao thông nội đồng được hỗ trợ kinh phí theo nghị quyết của HĐND tỉnh khi xây dựng cứng hóa mặt đường.
Nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh đã có tác dụng “kích cầu” cho phong trào xây dựng giao thông nông thôn, cứng hóa đường giao thông nội đồng, tạo động lực phát triển đồng đều ở tất cả các huyện, kể cả những huyện miền núi khó khăn, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về xây dựng giao thông nông thôn trên cả nước.
Công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng đường bộ được quan tâm chỉ đạo sát sao, tập trung đổi mới toàn diện.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Hạ tầng sạch - Giao thông thuận lợi - Giá thuê đất hợp lý là 3 yếu tố giúp Vĩnh Phúc thu hút FDI, DDI ngoạn mục.