Kích cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn (Bài cuối): Quyết tâm cao với tư duy đột phá để thu hút thêm doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Cảng Nghi Sơn
Cảng biển Nghi Sơn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là đầu mối giao thương quan trọng, kết nối vùng biển Thanh Hóa và Bắc Trung bộ với các tuyến hàng hải quốc gia, quốc tế. Để thúc đẩy sự phát triển của Cảng Nghi Sơn, ngoài đầu tư về hạ tầng cảng biển, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư thực hiện xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua cảng. Bên cạnh đó là những quyết tâm lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành thực thi chính sách, những trăn trở hoạch định cơ chế trong dài hạn nhằm biến Cảng Nghi Sơn trở thành cảng biển sôi động, hoạt động hiệu quả. Nhân dịp tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư, DN làm thủ tục XNK hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.
Tập đoàn CMA-CGM thực hiện dịch vụ XNK hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hằng
PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí khái quát về vai trò, ý nghĩa của Cảng Nghi Sơn và hoạt động XNK hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn đối với công tác thu ngân sách nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung?
Đồng chí Nguyễn Văn Thi: Với kết nối giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, Cảng biển Nghi Sơn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực tỉnh Thanh Hóa và vùng phụ cận. Cùng với lợi thế về vị trí địa lý, giao thông và được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành, tại Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng sớm đầu tư phát triển Cảng Nghi Sơn thành cảng 1A, cảng container chuyên dụng ngang tầm khu vực.
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13-11-2021 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, trong đó có hoạt động XNK hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn; Thông tư số 21/2021/TT-BCT, ngày 10-12-2021 của Bộ Công Thương về việc quy định Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, thì đây là 1 trong 6 cửa khẩu cảng biển của cả nước được phép nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.
Với việc phát triển hệ thống Cảng Nghi Sơn đã thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện XNK hàng hóa, rút ngắn thời gian và chi phí của DN; tăng thu ngân sách cho tỉnh. Tổng kim ngạch, trọng lượng hàng hóa XNK cũng như số thu thuế qua Cảng biển Nghi Sơn tăng lũy tiến qua các năm. Năm 2022, số thu từ hoạt động XNK qua Cảng Nghi Sơn đã đạt gần 20.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ động lực của nguồn thu này, năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự gia nhập “câu lạc bộ 50.000 tỷ” về thu ngân sách.
PV: Thưa đồng chí, những kết quả đạt được đã tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự kỳ vọng mà tỉnh Thanh Hóa đặt ra đối với Cảng Nghi Sơn hay chưa?
Đồng chí Nguyễn Văn Thi: Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn, thì hệ thống Cảng biển Nghi Sơn gồm có 51 bến và khu bến (10 bến container, 21 bến tổng hợp, còn lại là các bến và khu bến chuyên dụng), hiện có 21 bến đã đi vào hoạt động. Cảng Nghi Sơn có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 DWT - 100.000 DWT, với năng lực xếp dỡ hàng trăm triệu tấn/năm.
Với tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách thu hút các hãng tàu và DN thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, trong những năm gần đây Cảng Nghi Sơn đã thu hút được các hãng tàu và DN thực hiện XNK qua cảng với tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng chiếm khoảng trên 50% tổng lượng hàng qua nhóm cảng biển số 2 (bằng cả cảng biển Nghệ An và Hà Tĩnh) khoảng 41 triệu tấn/năm.
Mặc dù rất đáng ghi nhận, tuy nhiên kết quả này vẫn chưa phát huy được lợi thế và tiềm năng của cảng biển, chưa tạo được bước đột phá như kỳ vọng của tỉnh. Số thu thuế từ hoạt động XNK qua Cảng Nghi Sơn vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn thu thuế từ hoạt động nhập khẩu dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Số thu từ các hoạt động XNK hàng hóa thường xuyên qua Cảng Nghi Sơn hiện còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy, ảnh hưởng từ hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chi phối lên số thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, Cảng Nghi Sơn chưa thu hút được nhiều hãng tàu container mở tuyến vận tải từ Nghi Sơn đi quốc tế và ngược lại. Do số lượng hãng tàu mới, DN mới chưa nhiều, tần suất hoạt động thấp nên số thu ngân sách Nhà nước từ hàng hóa vận chuyển bằng container chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số thu ngân sách Nhà nước của hàng hóa XNK qua Cảng Nghi Sơn (gần 3%).
PV: Thưa đồng chí, những khó khăn, thách thức nào đang đặt ra cho Cảng Nghi Sơn lúc này và những mặt còn tồn tại, hạn chế của cảng cần được nhìn nhận cả dưới góc độ khách quan và chủ quan ra sao?
Đồng chí Nguyễn Văn Thi: Việc phát triển hoạt động XNK tại Cảng biển Nghi Sơn thực tế còn tồn tại không ít khó khăn và thách thức. Điển hình như do thiếu đa dạng về các mặt hàng XNK nên các hãng tàu vận tải quốc tế chưa mặn mà với việc khai thác hoạt động hàng hải tại Cảng Nghi Sơn. Tần suất số chuyến còn thấp, chưa đa dạng tuyến (chủ yếu là tuyến Trung Quốc) dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa qua nhiều cảng phải trung chuyển nên phát sinh chi phí so với tàu không chuyển tải, dẫn đến giá cước chưa thực sự hấp dẫn đối với DN. Nhiều DN xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn đã có đối tác vận chuyển, bốc xếp và các dịch vụ liên quan lâu năm, thậm chí hợp đồng lâu dài nên khó thay đổi để thực hiện xuất khẩu qua Cảng Nghi Sơn. Số lượng các DN may mặc, giày da (hiện chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh) thì chủ yếu sản xuất hàng FBO nên được chỉ định về cảng biển cũng như đơn vị dịch vụ hàng hải.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng, máy móc thiết bị nâng hạ container, kho bãi khu vực cảng chưa được đầu tư đồng bộ; chưa có nhiều DN đầu tư dịch vụ logistics, hệ thống kho vận chưa quy mô và đồng bộ dẫn đến thiếu nơi tập kết, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa; công tác cải cách hành chính, công tác phối hợp của các cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ các DN XNK của hãng tàu ra vào Cảng Nghi Sơn còn hạn chế.
Hiện nay, tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp. Cùng với đó, giá nguyên, nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, làm gia tăng lạm phát và đặc biệt là giá cước biển tăng cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả trong việc thu hút các hãng tàu và các đơn vị XNK qua Cảng Nghi Sơn. Dự báo trong thời gian tới, hoạt động thương mại XNK vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt các ngành dệt may, da giày và sản phẩm công nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, việc giá nguyên liệu sản xuất thép tiếp đà giảm và kế hoạch bảo dưỡng lần đầu theo thiết kế của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng sẽ khiến kim ngạch nhập khẩu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm 2022.
PV: Ngày 13-7-2022 HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Đồng chí đánh giá thế nào về ý nghĩa và hiệu quả của chính sách này đối hoạt động thông thương qua cảng, cũng như đối với sự phát triển của Cảng Nghi Sơn?
Đồng chí Nguyễn Văn Thi: Với lượng hàng hóa XNK bằng container của các DN trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận qua đánh giá, rà soát là rất lớn, tuy nhiên Cảng Nghi Sơn vẫn chưa được nhiều hãng tàu mở tuyến vận chuyển hàng hóa bằng container đi quốc tế. Chính vì vậy, để thu hút các hãng tàu, DN thực hiện vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, ngày 13-7-2022 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đây là một chính sách quan trọng. Sự đột phá của chính sách được đánh giá là tiệm cận yêu cầu thực tế và kỳ vọng sẽ tiếp tục “mở đường” cho hành trình khai thác tối đa năng lực vận hành cảng biển, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các địa phương lân cận.
Theo đó, chính sách được xây dựng với mục tiêu thu hút các hãng tàu, DN trong và ngoài nước đầu tư mở các tuyến dịch vụ mới, thực hiện XNK hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn; thu hút hàng hóa từ các tỉnh đi và đến để trung chuyển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, đồng thời thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics. Đến nay, Cảng Nghi Sơn đã thu hút được 2 hãng tàu mở tuyến vận chuyển hàng hóa bằng container đi quốc tế, tạo thuận lợi cho các DN trên địa bàn tỉnh và tỉnh Nghệ An, Ninh Bình thực hiện XNK vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm chi phí và thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách cho tỉnh.
PV: Thưa đồng chí, để “kích hoạt” và thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND nói riêng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các hãng tàu, DN hoạt động hiệu quả nói chung, tỉnh Thanh Hóa đã và đang chỉ đạo triển khai các giải pháp gì trong xúc tiến đầu tư, quản lý Nhà nước đối với hoạt động XNK hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn?
Đồng chí Nguyễn Văn Thi: Tỉnh Thanh Hóa xác định, khi chính sách được triển khai hiệu quả, hình thành được phương thức vận tải biển sẽ tăng sức hấp dẫn và thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; trong dài hạn sẽ nâng được quy mô thị trường khi nhiều dự án được triển khai trong khu vực; vị thế, thương hiệu của Cảng Nghi Sơn nói riêng và Khu Kinh tế Nghi Sơn nói chung sẽ được nâng lên. Do vậy, để “kích hoạt” và thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND nói riêng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các hãng tàu, DN hoạt động hiệu quả nói chung, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ sau:
Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và của tỉnh Thanh Hóa bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi hội thảo, hội nghị... nhằm thu hút các nhà đầu tư logistics, hãng tàu và DN; đôn đốc các nhà đầu tư khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị nâng hạ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa; hỗ trợ pháp lý, cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động XNK cho các hãng tàu, DN; hỗ trợ người khai hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan, hỗ trợ thực hiện các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, lai dắt tàu, chi phí phù hợp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của hãng tàu và DN, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị khi thực hiện XNK hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn.
Để tăng nguồn thu bền vững từ việc phát huy lợi thế của Cảng biển Nghi Sơn, hiện nay Cục Hải quan và Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cũng đang tăng cường phối hợp với các hiệp hội, hội DN trong công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các DN và nhà đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn nói chung và hoạt động XNK qua Cảng biển Nghi Sơn nói riêng; từ đó khuyến khích các DN lớn có trụ sở trên địa bàn tỉnh và DN các tỉnh lân cận (Nghệ An, Ninh Bình) nhưng chưa thực hiện XNK hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhất là các tập đoàn sản xuất ô tô, giày da, phế liệu... có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất lớn, số thu nộp ngân sách Nhà nước hàng năm cao.
Cùng với đó, các đơn vị cũng trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, nắm bắt thông tin cũng như khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, các DN mới để có biện pháp xử lý, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại XNK; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường hành chính điện tử trên cơ sở tích hợp sâu rộng các ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các DN về làm thủ tục hải quan trên địa bàn quản lý.
Các đơn vị cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, nâng cao năng lực kinh doanh của các công ty kinh doanh kho bãi, logistics, trang bị thêm máy móc thiết bị để giảm thời gian bốc, dỡ hàng hóa, thời gian lưu giữ hàng hóa, rút ngắn thời gian XNK và giảm chi phí cho DN XNK.
Hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư, DN làm thủ tục XNK hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn được tổ chức lần này cũng sẽ là cơ hội để các hãng tàu, DN được giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất nguyện vọng trong quá trình thực hiện thủ tục sản xuất, kinh doanh và XNK nhằm khai thác có hiệu quả hệ thống Cảng biển Nghi Sơn. Thông qua các ý kiến thảo luận, trao đổi của các hãng tàu, DN sẽ là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa đưa ra các giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho chiến lược thu hút DN về với Cảng Nghi Sơn, tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho tỉnh trong thời gian tới.
PV: Bên cạnh chính sách “kích cầu” kể trên, xin đồng chí cho biết trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cần có thêm các cơ chế, chính sách mạnh mẽ ra sao, nhất là chính sách ưu tiên phát triển các bến cảng container chuyên dụng và trung tâm logictics, kết cấu hạ tầng kết nối... nhằm xây dựng Cảng Nghi Sơn trở thành cảng biển sôi động, hoạt động hiệu quả và sớm hiện đại hệ thống Cảng biển Nghi Sơn theo quy hoạch?
Đồng chí Nguyễn Văn Thi: Để đẩy mạnh hoạt động XNK qua Cảng Nghi Sơn, sớm đưa cảng trở thành cảng loại 1 ngang tầm khu vực, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương đôn đốc các nhà đầu tư khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các bến cảng container chuyên dụng theo quy hoạch, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống máy móc, thiết bị, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa. Tập trung nạo vét luồng cảng đáp ứng luồng đủ tiêu chuẩn để các tàu có trọng tải từ 100.000 DWT ra vào cảng.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao cho các sở, ban, ngành nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư vào kho bãi như: miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng điện, nước, thông tin... tại các trung tâm logistics, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế.
Về định hướng dài hạn, để phát huy tối đa tiềm năng của một cảng nước sâu với hệ thống luồng lạch ít bị bồi lắng, tỉnh Thanh Hóa đang có ý tưởng sẽ đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch và ban hành cơ chế đột phá để đầu tư một cảng container trung chuyển quốc tế tại Cảng Nghi Sơn, gắn với việc hình thành khu Depot (cảng cạn) ở TP Thanh Hóa, khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp. Nếu làm được điều này, Cảng Nghi Sơn sẽ trở thành một trong những trung tâm của hoạt động logistics quốc tế và khu vực mà các hãng tàu lớn sẽ tập trung để giao nhận, phân phối hàng hóa đi thế giới, tạo bước đột phá thực sự trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả nước.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.