Kịch công chúa, dế mèn lỡ hẹn với thiếu nhi vì dịch COVID-19
Do dịch bệnh, hàng loạt sân khấu kịch tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều phải tạm hoãn vô thời hạn các vở kịch trẻ em khi đã ở tư thế 'rất sẵn sàng.'
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các nhà hát kịch đã sớm phải ngậm ngùi, chấp nhận cảnh đóng cửa. Với Hà Nội là cuối tháng Tư và Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tháng Năm.
Và thế là, những công chúa Li-dơ trong "Bầy chim thiên nga," "Dế mèn phiêu lưu ký," "Ngày xửa ngày xưa" phần 33 mới nhất... cũng chấp nhận khép màn và nằm chờ.
Nhà hát "mất diễn," trẻ mất hoạt động hè
Tại Hà Nội, Nhà hát kịch Tuổi trẻ đã tổng duyệt xong vở “Bầy chim thiên nga” do đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Lê Ánh Tuyết thực hiện hồi cuối tháng Tư. Đây là vở nhạc kịch lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên trong truyện cổ tích Andersen với nhiều câu chuyện đơn giản về lòng thương người, tình cảm gia đình cho khán giả nhí.
Bà Phan Hương, đại diện phía của Nhà hát kịch Tuổi trẻ cho biết ngày 1/6 thuộc một trong những dịp thu hút đông khách nhất của nhà hát. “Các dịp khác gồm có Tết Trung Thu, ngày 8/3 hay dịp Giáng sinh 24/12… Nhưng, 1/6 vốn đặc biệt có lợi vì là thời điểm trẻ đã nghỉ hè,” bà cho biết.
Dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay, nhà hát dự định cho ra thêm ba kịch mục thiếu nhi, trong đó có vở “Con chim xanh” lấy cảm hứng từ tác phẩm của cố tác giả Maurice Maeterlinck (người Bỉ) từng đạt giải Nobel văn học năm 1911.
Ngoài ra, còn hai kịch mục mới cũng đã gần hoàn thiện, chỉ cần thời gian tổng duyệt và được thẩm định cho phép công diễn rộng rãi là sẽ công diễn. Nhưng do dịch bệnh nên chỉ có “Bầy chim thiên nga” kịp ra mắt.
Không chỉ có nhà hát “mất diễn,” gần 100 em nhỏ cũng mất luôn các hoạt động hè ý nghĩa. Kể từ 30/4, Câu lạc bộ kịch Những mầm xanh (Nhà hát kịch Hà Nội) với các kế hoạch cuối năm học và triển khai xuyên hè cũng bị COVID-19 “dạt hết sang một bên.”
“Nếu không có dịch thì Những mầm xanh sẽ mang đến nhiều chương trình hè ý nghĩa, bao gồm dạy và tập kịch nói cho các em,” người đại diện truyền thông của rạp cho biết.
Theo người đại diện này, câu lạc bộ đang có ba nhóm triển khai tại một trường tiểu học tư thục tại Hà Nội cũng phải nghỉ hết. Đáng lẽ các bạn nhỏ sẽ có một đêm diễn vào tuần cuối cùng của năm học, kết hợp cả triển lãm tranh, bán vé và gây quỹ ủng hộ cho quỹ ‘Phẫu thuật nụ cười.’ Chỉ còn đúng hai buổi học nữa là đến ngày diễn, các bé đã chuẩn bị rất hoành tráng, đầu tư rất nhiều cho đạo cụ rồi, thế mà lại ‘dính’ dịch...
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, “thánh đường” kịch thiếu nhi Idecaf (Quận 1) cũng chung số phận. Thương hiệu kịch “Ngày xửa ngày xưa” đã trở lại sau một năm, đã chính thức bán hết vé cho mười mấy suất chiếu đầu của phần mới nhất - phần 33 “Thuyền trưởng Sinh Bá và nàng tiên cá đen xì.”
“Ngày xửa ngày xưa” trở lại với phần 33 nhận về nhiều phản hồi tích cực, ngóng chờ của thiếu nhi và cha mẹ khu vực phía Nam. Đi kèm với thương hiệu này là những gương mặt quen thuộc của các Nghệ sỹ Ưu tú Hữu Châu, Thành Lộc, Mỹ Duyên…
Thông tin tạm ngưng các sân khấu từ 3/5 khiến nhiều người thở dài chán chường.
Không thể chiếu online
Khi phương án kỹ thuật số hóa, đưa nội dung lên trực tuyến và thu phí online dường như là lời giải cho mọi hoạt động giải trí trong thời kỳ dịch bệnh này thì kịch nói lại không thuộc hạng mục giải trí đó, bởi nó mang nặng cả tính nghệ thuật và nhiều điểm đặc thù.
Bên cạnh việc nội dung video dễ bị phát tán trái phép, gây tổn hại về kinh tế cho đoàn kịch, ghi hình không khán giả sẽ không mang lại chất lượng tốt nhất cho vở kịch. Nghệ sỹ Nhân dân Lệ Ngọc, "đầu tầu" của sân khấu Lệ Ngọc cho biết: “Cá nhân tôi thấy không khả thi, nó giống như đá bóng nhưng không có khán giả. Trẻ em sẽ không xem video kịch, mà thà xem phim truyện còn hơn.”
Theo bà, chính cảm giác khán giả nhí chồm tới sát sân khấu, hò reo với diễn viên đã góp phần không hề nhỏ cho thành công cho một số vở trước đó của đoàn kịch này.
Đầu tháng Tư, Sân khấu Lệ Ngọc đã sẵn sàng cho vở mới “Dế Mèn phiêu lưu ký” (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Tô Hoài), có nhiều hoạt động mở màn như cuộc thi vẽ tranh “Bí kíp luyện côn trùng,” chia sẻ về các nhân vật và bài học đạo đức trong truyện lẫn vở kịch sắp tới.
Đứng trước mùa hè hiện đang trống rỗng vì dịch, nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc sốt ruột nhưng cho biết bà đang tính tiếp các hoạt động, cuộc thi tương tự để lấp đầy mùa hè của các bé.
“Chúng tôi cũng chẳng có phương pháp khắc phục nào ngoài chờ đợi,” ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu kịch Idecaf nói với báo VietnamPlus: "Kịch thiếu nhi chủ yếu thu hút các dịp 1/6, Rằm Trung Thu, Giáng Sinh… nếu dịch vẫn hoành hành cả những lúc đó thì cũng phải chịu," ông Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn cũng cho biết đang tính cách đưa những vở “Ngày xửa ngày xưa” cũ lên các nền tảng trực tuyến.
Trước đây, “Chú bé khoai tây” (Ngày xửa ngày xưa phần 20), “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” (Ngày xửa ngày xưa phần 12) hay “Công chúa ngủ trong rừng” (Ngày xửa ngày xưa phần 2).... đã được Hãng phim trẻ (Thành phố Hồ Chí Minh) mua bản quyền và phát trên kênh YouTube “Kịch thiếu nhi.”
Tuy nhiên, suy cho cùng, kịch nói vẫn phải đi kèm với ánh đèn, diễn xuất và sắp đặt dàn cảnh của sân khấu. Bởi vậy, cả các em nhỏ, phụ huynh lẫn các nghệ sỹ, ông bầu vẫn phải kiên nhẫn chờ mọi thứ được về đúng nơi của nó./.