Kích hoạt trạng thái dạy, học mới

Hôm nay, 17-2, học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện kế hoạch học tập của học kỳ II năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến các trường chưa thể tổ chức dạy học tập trung, song với tinh thần chủ động, đội ngũ giáo viên, học sinh toàn ngành đã kích hoạt trạng thái dạy, học mới, quyết tâm vượt qua khó khăn để bảo đảm chất lượng, tiến độ kế hoạch của năm học.

Học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) học trực tuyến. Ảnh: Quỳnh Anh

Chủ động ứng phó

Xác định diễn biến phức tạp và có thể kéo dài của dịch Covid-19, ngay từ đầu năm học 2020-2021, bên cạnh việc triển khai kế hoạch dạy học bình thường theo phân phối chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, trường học chủ động xây dựng phương án dạy học ứng phó khi học sinh không thể đến trường. Bởi vậy, khi dịch diễn biến phức tạp, các nhà trường đều kích hoạt toàn bộ hoạt động phòng, chống dịch, không để bị động trước bất kỳ tình huống nào.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai Lê Việt Dương) thông tin: Nhà trường đã xây dựng ba phương án tổ chức dạy học, triển khai đến toàn thể giáo viên, học sinh để chủ động ứng phó; đồng thời chuẩn bị đủ các điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến như xây dựng thời khóa biểu, hướng dẫn học sinh chuẩn bị máy tính, điện thoại có cài đặt phần mềm... Nhà trường cũng nghiên cứu để triển khai các hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với học sinh.

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, cùng với việc kích hoạt trạng thái dạy, học mới, các nhà trường trên địa bàn huyện vẫn duy trì các hoạt động phòng, chống dịch như vệ sinh, lau chùi, khử khuẩn, trang bị vật tư y tế, phòng cách ly… sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học với các điều kiện an toàn. Việc rà soát trường hợp học sinh, người nhà học sinh đi về từ vùng có dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được các nhà trường duy trì và cập nhật hằng ngày với quyết tâm chung sức cùng toàn thành phố bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Bà Lê Thị Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) bày tỏ: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp buộc các con phải học tập qua hình thức trực tuyến nên thầy cô vất vả hơn. Chúng tôi chia sẻ khó khăn này với giáo viên và sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa các điều kiện học tập cho con”.

Quyết tâm vượt khó khăn

Vượt qua khó khăn, hỗ trợ học sinh tối đa để hoàn thành “nhiệm vụ kép”, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa duy trì tiến độ và chất lượng dạy, học là quyết tâm của ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học 2020-2021.

Mê Linh hiện có khá nhiều học sinh đang thực hiện cách ly do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song huyện đã triển khai các phương án dạy học bảo đảm an toàn. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, một số trường hợp F1 là học sinh đã được hỗ trợ để không bị gián đoạn việc học. Ngoài việc tổ chức dạy học trực tuyến, các nhà trường thực hiện linh hoạt nhiều hình thức khác như quay video bài giảng, gửi bài qua Zalo, thư điện tử… Với những học sinh ở vùng cách ly chưa có thiết bị học tập, giáo viên gửi phiếu bài tập tại các chốt kiểm dịch hoặc qua tổ giám sát cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19…

Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp 1, bởi đây là năm học đầu tiên các em thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Cô Lê Bích Nguyệt, giáo viên lớp 1E, Trường Tiểu học Nghĩa Tân cho biết, học sinh lớp 1 được sắp xếp thời khóa biểu học vào buổi tối để phụ huynh cùng phối hợp hỗ trợ. Giáo viên cũng đã hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị thiết bị, cài đặt phần mềm và cách thức hỗ trợ con học vần, tập đọc, luyện viết...

Còn Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) Nguyễn Thị Kim Xuân cho hay, nhà trường dành buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết để phổ biến nội quy, hướng dẫn lại cho học sinh một số kỹ năng học trực tuyến. Gần 150 học sinh lớp 9 được ưu tiên sắp xếp thời khóa biểu phù hợp để các em học tập hiệu quả. Nhà trường cũng rà soát, hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho những em có hoàn cảnh khó khăn, không để học sinh nào thiếu thiết bị học tập.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, về cơ bản, các nhà trường đã chủ động và thích ứng nhanh với trạng thái dạy, học mới. Sở yêu cầu các nhà trường ổn định nền nếp, chất lượng dạy, học ngay từ tiết học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong việc chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ các em học tập, rèn luyện; giúp đỡ học sinh có khó khăn về thiết bị học tập qua internet hoặc hạn chế về khả năng tự học… Sở Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai kế hoạch dạy học và sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà trường với quyết tâm duy trì nền nếp, bảo đảm chất lượng giáo dục và tiến độ kế hoạch năm học.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/991331/kich-hoat-trang-thai-day-hoc-moi