Phân luồng học sinh sau bậc THCS: Tìm tiếng nói chung

Để giúp các em có hướng đi phù hợp và bảo đảm hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường các giải pháp tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh cuối cấp THCS.

Cán bộ Trường Trung cấp dân tộc nội trú tỉnh phát tờ rơi liên quan đến công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho các em học sinh.

Cán bộ Trường Trung cấp dân tộc nội trú tỉnh phát tờ rơi liên quan đến công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho các em học sinh.

Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” theo Quyết định số 522/ QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 522), hằng năm, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động tư vấn ngành, nghề phù hợp năng lực, sở trường và điều kiện kinh tế gia đình của học sinh. Các trường THCS trên địa bàn tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động giáo dục, hướng nghiệp; cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phối hợp tổ chức các chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh ngay tại trường THCS; cung cấp tờ rơi thông tin học nghề, thị trường lao động, bảng tin hướng nghiệp… đến phụ huynh và học sinh.

Với những giải pháp trên, đến nay, các chỉ tiêu về phân luồng học sinh của Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, năm 2023, toàn tỉnh có trên 5.100 học sinh tốt nghiệp THCS học giáo dục dạy nghề (hệ vừa học vừa làm), đạt 27%. Qua đánh giá cho thấy, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là giải pháp tích cực nhằm góp phần thay đổi nhận thức người dân và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp khả năng, điều kiện kinh tế, năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh cũng như nhu cầu xã hội. Từ đó, góp phần điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 6 năm triển khai, công tác phân luồng học sinh sau THCS theo Đề án 522 vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, số học sinh tham gia học nghề sau khi tốt nghiệp THCS những năm gần đây chỉ đạt mức bình quân 27-29%.

Một số ý kiến nhận định, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Thái Nguyên có trên 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp được xem là khó. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào GDNN đạt rất thấp. Đơn cử như huyện Đồng Hỷ trong năm 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào học tại các cơ sở GDNN mới đạt 21,7%. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Thế Lương, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ cho hay: Hiện nay, các nghề được đưa vào chương trình đào tạo chưa tạo được sức hút đối với học sinh và phụ huynh. Thêm nữa, cơ cở vật chất, trang thiết bị chương trình đào tạo và “đầu ra” của nhiều trường nghề chưa đáp ứng được nhu cầu.

Sinh viên ngành Quản trị khách sạn tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Thái Nguyên trong giờ thực hành nghề.

Sinh viên ngành Quản trị khách sạn tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Thái Nguyên trong giờ thực hành nghề.

Với phần đa phụ huynh, lựa chọn học nghề thường là phương án cuối cùng khi không còn lựa chọn khác. Họ chưa nhìn thấy được lợi ích từ việc học nghề ở độ tuổi 14-15.

Theo bà Nguyễn Thị Định, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác học sinh, Trường Trung cấp dân tộc nội trú tỉnh: Trong quá trình đi tư vấn, tuyên truyền tại các trường THCS, chúng tôi nhận thấy nhận thức về học nghề và định hướng nghề nghiệp của nhiều phụ huynh và học sinh hiện nay chưa đầy đủ. Đa số phụ huynh mong muốn cho con thi vào THPT, nếu không đỗ mới tính tiếp.

Thực tế hiện nay, nếu học sinh có nhu cầu đăng ký học nghề trước khi tốt nghiệp THCS, các em sẽ nộp hồ sơ vào cơ sở đào tạo nghề phù hợp. Mặt khác, nếu tham gia kỳ thi vào lớp 10 và không đỗ vào các trường THPT, các em sẽ được khuyến khích chuyển về các trung tâm GDNN và giáo dục thường xuyên để theo học. Với phương án này, không ít học sinh sẽ chỉ theo học chương trình giáo dục phổ thông, chứ không tham gia học nghề.

Một khó khăn khác không thể không nhắc đến là những hạn chế trong công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Hiện, đội ngũ làm công tác hướng nghiệp trong các trường THCS hầu hết là giáo viên chủ nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ hướng nghiệp; chưa có tiêu chí đánh giá việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông và tiêu chuẩn lựa chọn đối với người làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong trường phổ thông…

Toàn tỉnh có 37 cơ sở đào tạo nghề, với quy mô đào tạo năm 2024 là 41.500 người. Trong số này, các trường có tuyển sinh hệ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS là 11.500 chỉ tiêu, đào tạo hơn 20 nghề khác nhau. Các ngành nghề này cơ bản đáp ứng nhu cầu và phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: công nghiệp, may, dịch vụ, du lịch…

Một trong những yếu tố cũng được xem là nguyên nhân khiến phân luồng, hướng nghiệp khó đạt mục tiêu đề ra là GDNN chưa tạo được sức hút. Đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn chương trình đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, chưa tiếp cận được với các dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh, học sinh có nguyện vọng vừa học nghề, vừa học văn hóa cấp THPT. Tuy nhiên, việc triển khai dạy văn hóa với học sinh nghề lại gặp không ít trở ngại.

Năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo giao 14.716 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 đối với 36 trường THPT trên địa bàn. Trong khi đó, số thí sinh đăng ký dự thi là gần 17.500 em. Như vậy, vẫn có trên 2.700 thí sinh không thể vào học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Khảo sát sơ bộ của các địa phương cũng cho thấy, trong số này, nhiều học sinh ở khu vực nông thôn, miền núi không tiếp tục học văn hóa THPT hay các cơ sở GDNN mà chọn làm nghề tự do, làm nông nghiệp, bán hàng hay đơn giản là ở nhà... Câu hỏi đặt ra là: Nếu số thí sinh này được định hướng phân luồng sớm sẽ thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh hệ THPT lẫn đào tạo nghề?

Về vấn đề này, ông Bùi Mạnh Cường, Trưởng phòng GDNN (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Kết quả khảo sát từ các cơ sở GDNN cho thấy, có hơn 80% học sinh, sinh viên học nghề có việc làm sau tốt nghiệp 3 tháng, với thu nhập ổn định. Do vậy, điều cần thiết hiện nay là thay đổi tư duy về vấn đề học nghề, định hướng sớm nghề nghiệp cho học sinh, loại bỏ định kiến chỉ những học sinh có học lực yếu kém mới cần được hướng nghiệp sớm để tham gia vào hệ thống GDNN.

Để công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh tốt nghiệp sau THCS đạt hiệu quả cao, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng tại các trường học và tới phụ huynh, học sinh. Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, cần chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán (giáo dục STEM) phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động; đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở GDNN, chính sách đối với người học các trình độ GDNN, chính sách ưu đãi trong GDNN, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ quan quản lý giáo dục với các cơ sở GDNN trong hoạt động hướng nghiệp và định hướng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở GDNN. Đặc biệt, cần quan tâm tuyên truyền về những tấm gương thợ giỏi, làm nghề giỏi, có thu nhập tốt nhằm giúp học sinh, phụ huynh học sinh tự tin cho con vào học các trường nghề, không còn tâm lý e ngại.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202407/phan-luong-hoc-sinh-sau-bac-thcs-tim-tieng-noi-chung-e620382/