Kịch nói 'tìm đường sống'

Trong buổi họp báo giới thiệu vở 'Bay trên cánh mỏng' mới đây, NSƯT Thành Hội thông báo sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ chuyển sang hình thức diễn kịch theo mùa chứ không còn sáng đèn định kỳ hàng tuần. Dù sững sờ, nuối tiếc nhưng khán giả cũng hiểu đây là giải pháp cực chẳng đã khi kịch nói đang dần đuối sức.

Chia sẻ chi tiết về cách thức biểu diễn mới, NSƯT Thành Hội - Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cho biết đơn vị sẽ diễn hai mùa trong năm. Mùa Tết kéo dài từ 3 đến 5 tháng (diễn một hoặc hai vở); mùa kịch giữa năm, từ 2 đến 3 tháng (diễn một vở). Tất cả các vở đều sẽ là vở mới. Các vở diễn cũ đều bị “cất kho” dù có hay đến đâu. Tuy nhiên, nếu đơn vị, trường học nào có nhu cầu đặt hàng, Hoàng Thái Thanh vẫn sẵn lòng tái diễn.

Để tri ân khán giả đã yêu mến những đứa con tinh thần của mình, từ ngày 7/5 đến 3/7, trước khi chấm dứt hoạt động diễn kịch định kỳ hàng tuần, sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ dành ra hai tháng tái diễn lần cuối 10 vở tiêu biểu, gồm: “29 anh về", "Bông hồng cài áo", "Nửa đời hương phấn", "Bàn tay của trời", "Hãy khóc đi em", "Con ma nhà họ Hứa", "Tình yêu trời đánh", "Sông dài", "Bạch Hải Đường", "Nửa đời ngơ ngác". Bắt đầu từ tháng 8, sân khấu chính thức chia tay toàn bộ vở cũ để diễn toàn vở mới với phương thức diễn theo mùa.

Toàn bộ vở cũ của sân khấu Hoàng Thái Thanh phải “cất kho” để nhường chỗ cho vở mới khi thay đổi cách diễn theo mùa.

Thông tin này khiến người trong giới lẫn công chúng yêu mến kịch nghệ không khỏi chạnh lòng. Là gương mặt nổi trội trong làng sân khấu xã hội hóa TP Hồ Chí Minh, 12 năm qua, dưới sự chèo lái của cặp đôi nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã đóng góp 53 vở chính kịch giàu tính nhân văn. Trong đó hơn nửa số vở để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả ái mộ như “Bông hồng cài áo”, “Bạch Hải Đường”, “29 anh về”, “Nửa đời ngơ ngác”… Từ khi xuất hiện, Hoàng Thái Thanh tạo nên một dòng kịch riêng không thể trộn lẫn, ở đó đong đầy nước mắt nụ cười, thấm đẫm nỗi niềm thân phận với những mái lá, con thuyền đậm chất Nam bộ. Nó hướng người ta đến cõi thiện, đến cái đẹp ở đời. Kịch mục của sân khấu này luôn được khán giả đánh giá là chỉn chu, chất lượng nhất so với mặt bằng sân khấu kịch nói chung. Xuất sắc và tâm huyết là vậy nhưng Thành Hội và Ái Như không còn đủ sức để có thể cầm cự trong tình hình khó khăn hiện nay. “Chúng tôi buộc phải thay đổi để tồn tại” - nghệ sĩ Ái Như giãi bày.

Theo giới chuyên môn, thật ra phương thức biểu diễn theo mùa không hề mới trên thế giới. Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh… đã có nhiều đoàn kịch áp dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chỉ có duy nhất Hoàng Thái Thanh táo bạo chọn hình thức biểu diễn này. Đây được coi là nỗ lực cuối cùng để họ tự cứu mình. Soạn giả Hoàng Song Việt nhận xét: “Chọn lối đi này chứng tỏ Hoàng Thái Thanh không muốn mất đi quan điểm nghệ thuật của mình. Họ chỉ thay đổi hình thức tổ chức biểu diễn và thà dựng ít vở chứ không để mất đi giá trị, tâm huyết ban đầu”.

Khó khăn của sân khấu Hoàng Thái Thanh không phải là ngoại lệ. Đây là tình trạng chung của sân khấu xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh. Việc các sân khấu sáng đèn lay lắt để cầm cự đã kéo dài hơn chục năm nay. Đến khi dịch COVID - 19 xuất hiện và hoành hành hai năm gần đây, sân khấu kịch nói như bị giáng một đòn chí mạng. Năm ngoái, sân khấu kịch thành phố chỉ biểu diễn được vài tháng thì phải đóng cửa, đến đầu năm nay mới rón rén hoạt động trở lại. Sau dịch, lượng khán giả đã vắng nay càng vắng thêm khiến số tiền bù lỗ bào mòn các “ông bà bầu” sân khấu. Khán giả dần ngại phải đi xa xem kịch hay tập trung chỗ đông người.

Theo nghệ sĩ Ái Như, trước đây, mỗi suất diễn bán được hơn 100 vé là anh em nghệ sĩ đã mừng húm. Nhưng như thế cũng chỉ hòa vốn còn đa phần kịch mục đều lỗ vì trung bình mỗi suất chỉ vài chục khán giả. Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B của NSƯT Mỹ Uyên cũng tương tự. Để bù lỗ và chi trả lương cho anh em hậu đài, nghệ sĩ Ái Như và Mỹ Uyên liên tục rút tiền túi hoặc cầm cố vay ngân hàng. Riêng sân khấu Idecaf của “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn có vẻ thảnh thơi khi có nhiều vở “cháy vé” trong mùa Tết vừa qua. Tuy nhiên, theo bật mí của ông Huỳnh Anh Tuấn, các vở “cháy vé” cũng không đủ doanh thu để sân khấu tồn tại. Để Idecaf trụ vững đến hôm nay, ông phải dựa vào nguồn thu khác.

Sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hiện đại không chỉ khiến khán giả của kịch thưa vắng mà còn khiến sân khấu kịch bị động nguồn diễn viên. Do đó, việc xếp lịch diễn hết sức khó khăn. Mức catse hấp dẫn từ gameshow, phim ảnh, truyền hình… khiến nhiều diễn viên từ bỏ sân khấu để chạy show.

Nói về điều này, “bà bầu” Ái Như cười buồn: “Đóng phim hay tham gia gameshow giúp tên tuổi của anh em nghệ sĩ dễ nổi tiếng hơn. Từ đó mức thù lao cũng đi theo tương xứng. Phim ảnh, chương trình gameshow chỉ cần đóng một lần là khán giả có thể xem đi xem lại. Riêng sân khấu kịch thì anh em phải mướt mồ hôi tập cả mấy tháng trời, rèn thoại đến khản giọng rồi từng đêm cháy hết mình cho vai diễn. Mệt vậy nhưng thu nhập không được là bao. Tự bản thân tôi hiểu rằng sân khấu không phải là nơi có thể nuôi sống và mang lại sự nổi tiếng cho người diễn viên”.

Sân khấu SuperBowl của NSND Hồng Vân phải đóng cửa vì gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề cốt tử nhất khiến Thành Hội và Ái Như quyết tâm thay đổi chính là tình trạng khan hiếm kịch bản. “Tìm ra kịch bản hay khó kinh khủng, mà chuyện đó là hiện trạng mấy chục năm nay rồi của sân khấu nói chung. Nhiều khi tìm được kịch bản hay làm cho mình hứng khởi và mở ra được hướng sáng tạo sẽ khiến mình vui, quên đi được gánh nặng tài chính” - đạo diễn Ái Như thú thật.

Để sân khấu Hoàng Thái Thanh có thể tồn tại 12 năm trời, Thành Hội và Ái Như cố gắng hết sức chèo lái. Tìm không ra nguồn kịch bản phù hợp, Ái Như phải lao vào viết dù chị tốt nghiệp đạo diễn sân khấu, chưa học biên kịch ngày nào. Những vở cải lương hoặc tuồng xưa có nội dung sát với tiêu chí của Hoàng Thái Thanh cũng được chị và Thành Hội cải biên, soạn lại để sân khấu có kịch mục hay, giàu tính nhân văn. Có thể kể đến các vở như “Lan và Điệp”, “Bạch Hải Đường”, “Nửa đời hương phấn”… Nhưng “cứu cháy” hoài như thế, Ái Như thú thật đến giờ mình không còn gồng gánh nổi nữa.

Cũng vì những khó khăn như thế mà hồi cuối năm 2019, sân khấu SuperBowl của NSND Hồng Vân phải đóng cửa sau 14 năm hoạt động. Không muốn “chết” như SuperBowl, ban giám đốc sân khấu Hoàng Thái Thanh cố tìm mọi cách thay đổi để họ còn được làm nghề, được cống hiến ở thánh đường nghệ thuật. Việc diễn kịch theo mùa là lựa chọn giúp Hoàng Thái Thanh đỡ bù lỗ, tối ưu hóa số khán giả đến xem vở mới. Các diễn viên cũng được đặt hàng vào mùa diễn để đảm bảo sân khấu chủ động sắp xếp lịch. Khoảng thời gian diễn giữa hai mùa xa nhau cũng giúp ekip có nhiều thời giờ tìm kiếm nguồn kịch bản.

Trước lo ngại về việc công diễn toàn vở mới có thể sẽ không gây tiếng vang như kỳ vọng, dễ bị so sánh với vở cũ, NSƯT Thành Hội cho rằng dù có mạo hiểm, liều lĩnh thì đơn vị cũng phải thử nghiệm. "Để đưa ra quyết định diễn kịch theo mùa và diễn toàn vở mới, chúng tôi đã cân nhắc, suy nghĩ rất lâu. Chúng tôi nói với nhau rằng cứ thử một lần, kế hoạch này có thể sẽ thành công, cũng có thể thất bại nhưng xin quý vị hiểu cho một điều, chúng tôi đã làm hết sức mình và đã làm bằng cả trái tim bất chấp hậu quả. Nếu phương thức biểu diễn này thất bại, chúng tôi sẽ tìm hướng đi khác. Cùng đường thì có thể chúng tôi phải đóng cửa” - NSƯT Thành Hội ngậm ngùi.

Cách xoay xở tự cứu mình của sân khấu Hoàng Thái Thanh gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng của các sân khấu xã hội hóa hiện nay. Với khó khăn, thử thách bủa vây, họ đang ngày càng kiệt quệ và phải vẫy vùng để tồn tại. Theo giới chuyên môn, nếu không kịp thời tìm giải pháp, rất có thể nhiều sân khấu của những người làm nghệ thuật tử tế sẽ phải nói lời chia tay vĩnh viễn khán giả như sân khấu SuperBowl của “bà bầu” Hồng Vân. Đó là một mất mát rất lớn cho làng kịch nghệ nói riêng và đời sống văn hóa của TP Hồ Chí Minh nói chung.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/kich-noi-tim-duong-song-i653018/