Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được tái hiện tại Hà Nội
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ được tái hiện tại không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ngày 1/10, tin từ Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, các hoạt động tháng 10/2024 tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ mang chủ đề “Biển đảo trong lòng đồng bào”.
Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ được tái hiện tại không gian Làng Văn hóa.
Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 làng An Vĩnh và An Hải trong cửa biển Sa Kỳ và sau này là 2 phường An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn.
Nguồn gốc sâu xa của “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” ngày nay là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ.
Để chuẩn bị lễ khao lề, người dân làm 5 mô hình thuyền, các phẩm vật tế lễ, bài vị của các cai đội Hoàng Sa và những binh lính trong đội, bài vị của các vị thần cai quản biển cả.
Trước khi tổ chức lễ khao lề, Ban tế tự đình làng tổ chức lễ tế thần vào đêm trước và tổ chức lễ cầu an cho vong linh các chiến sĩ đội Hoàng Sa. Lễ vật và nghi thức cúng tế thể hiện sắc thái văn hóa riêng của cư dân Lý Sơn.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu.
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã quyết định đưa Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.