Kiềm chế lạm phát năm 2020: Nhìn từ CPI tháng 1 tăng cao
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2020 tăng 1,23% so với tháng 12-2019 và tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, phải kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4%.
Trước diễn biến đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, người dân và doanh nghiệp không nên quá lo lắng, Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm.
Việc kiểm soát chặt chẽ giá lương thực, thực phẩm sẽ góp phần kiềm chế lạm phát cả năm 2020 dưới 4%. Ảnh: Thái Hiền
Không bi quan, hoang mang...
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1-2020 là mức tăng cao nhất của CPI tháng 1 trong 7 năm gần đây. Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, giá vật liệu xây dựng và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Canh Tý được xác định là những nguyên nhân chủ yếu.
Riêng với mặt hàng thịt lợn, nguồn cung đủ và giá bán không ở mức đột biến như thời gian trước, nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức cao (80.000-86.000 đồng/kg hơi). Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, mức giá này vẫn cao hơn 8,29% so với tháng 12-2019 và là nguyên nhân quan trọng khiến mức nền CPI của tháng 1 tăng cao. Dù đã được dự báo trước và vẫn trong các kịch bản điều hành kinh tế của Chính phủ, nhưng việc này sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành giá trong quý I cũng như cả năm 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá trong cuộc họp đột xuất, ngày 31-1 của Ban Chỉ đạo nhận định, giá cả trong tháng 1-2020 "bình thường và bất thường". Bình thường là giá tăng vào cuối năm, dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán (cùng trong tháng 1-2020), nhưng bất thường là CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Để góp phần kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, đối với mặt hàng thịt lợn, các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của thị trường và quy định của pháp luật.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 1 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch bệnh do nCoV ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế tại Việt Nam và các nước trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực hàng không, nông nghiệp, chứng khoán, du lịch, xuất khẩu. Cùng với đó, thời gian nghỉ Tết dài, dẫn đến giảm tăng trưởng trong quý I-2020, ước tính GDP quý I-2020 giảm khoảng 1%. Mặc dù phải đối mặt với thách thức không nhỏ, song Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, tuyệt đối không bi quan, hoang mang.
Về vấn đề lạm phát nhìn từ việc CPI tháng 1 tăng cao, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, tác động của dịch bệnh do nCoV có thể khiến CPI giảm mạnh trong thời gian tới do hoạt động giao thương bị hạn chế. Bên cạnh đó, giá xăng dầu nhiều khả năng sẽ giảm do nhu cầu đi lại, tiêu thụ giảm.
Thịt lợn là một trong những mặt hàng có giá ở mức cao khiến CPI tháng 1-2020 tăng. Ảnh: Linh Ngọc
... Và không được chủ quan
Kết luận nội dung kinh tế - xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2020 chiều 5-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm, tuyệt đối không được chủ quan. Các bộ, ngành cần điều hành, vận dụng linh hoạt chính sách vĩ mô, đặc biệt là về tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát; kiểm soát ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi từ dịch bệnh do nCoV.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, bám sát thực tiễn và các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương theo quý và cả năm để điều hành, bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát cả năm dưới 4% như mục tiêu đã đề ra.
Để ứng phó với dịch bệnh đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe và tâm lý người dân, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trước mắt cần ưu tiên phòng chống dịch, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số giải pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục đưa những dự án chuẩn bị cấp phép, dự án mới sớm đi vào hoạt động...
Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, với các mặt hàng nông sản, biện pháp trước mắt và lâu dài là cần thực hiện tái cơ cấu sản xuất; liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa. Bên cạnh đó, để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nói chung, hàng nông sản nói riêng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài tăng cường kết nối với các doanh nghiệp sở tại và các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước nhằm mở rộng các kênh tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu..., để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay...
Như vậy, có thể thấy quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là cùng với việc thực hiện quyết liệt giải pháp phòng, chống bệnh dịch do nCoV, tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có việc kiềm chế lạm phát.