Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Cần công khai, minh bạch

Trường đại học Xây dựng Miền Trung được trao giấy chứng nhận đạt chuẩn KĐCLGD vào tháng 3/2021. Ảnh: THÚY HẰNG

Để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cạnh tranh với thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập, các trường đại học đang nỗ lực đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD). Kết quả KĐCLGD được công khai giúp các trường giải trình với xã hội, với các bên liên quan và giúp người học lựa chọn được nơi phù hợp để theo học.

Nỗ lực tự thân của các trường rất quan trọng

KĐCLGD đã và đang là xu thế chung nhằm khẳng định vị thế và chất lượng đào tạo của từng cơ sở giáo dục đại học. Vậy nên, Bộ GD-ĐT nhiều lần công bố mục tiêu đến năm 2020, 100% cơ sở giáo dục đại học được kiểm định. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ cơ sở giáo dục đại học chưa được kiểm định.

Hiện cả nước mới chỉ có 167/242 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn KĐCLGD. Đưa ra nguyên nhân, các trường cho rằng, thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động của các trường và tổ chức kiểm định. Các cơ sở giáo dục đại học đang phải thích ứng với việc triển khai hoạt động đào tạo trong điều kiện dịch bệnh và tìm cách hỗ trợ cho người học. Bên cạnh đó, số lượng các trung tâm kiểm định, kiểm định viên còn khá nhỏ so với nhu cầu kiểm định của hàng trăm cơ sở giáo dục đại học và hàng ngàn chương trình đào tạo, trong khi chu trình kiểm định là 5 năm. Hiện nay, các trường thuộc nhóm đầu tiên kiểm định đang bước vào chu kỳ kiểm định thứ hai, trong khi số trường chưa được công nhận chất lượng giáo dục lần nào vẫn còn nhiều.

Là trường đại học đã được Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng chứng nhận đạt chuẩn KĐCLGD, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung, chia sẻ: KĐCLGD không chỉ để được cấp giấy chứng nhận về mức độ kiểm định mà quan trọng hơn, thực hiện công tác kiểm định chính là cơ hội để nhà quản lý, cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn trường tự đánh giá một cách trung thực, khách quan, toàn diện hoạt động giáo dục tại cơ sở mình, từ đó có kế hoạch, giải pháp để duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng các hoạt động nhà trường.

Là sinh viên năm 2 ngành Kỹ thuật Xây dựng, Trường đại học Xây dựng Miền Trung, em Bùi Quốc Tuấn cho biết: Có nhiều lợi ích từ việc học ở trường đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng, đó là ngoài hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, sinh viên được thụ hưởng điều kiện cơ sở vật chất khang trang với hệ thống giảng đường, khu thực hành nghề nghiệp, thư viện, ký túc xá, khu tự học, vui chơi giải trí và các hoạt động hỗ trợ học tập khác cũng đảm bảo đủ chuẩn. Qua đó giúp chúng em hội đủ các yếu tố về chuẩn đầu ra và việc làm sau khi tốt nghiệp.

Có thể nói, KĐCLGD đã tác động tích cực đến toàn bộ hoạt động của trường; trong đó phải kể đến sự thay đổi về hệ thống bao gồm bảo đảm chất lượng bên trong, hoạt động đánh giá chất lượng bên trong và bên ngoài… Để làm được điều này phụ thuộc rất lớn vào sự tự thân của mỗi trường.

Sinh viên là người được hưởng lợi nhiều nhất khi cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt công tác KĐCLGD. Ảnh: THÚY HẰNG

Sinh viên là người được hưởng lợi nhiều nhất khi cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt công tác KĐCLGD. Ảnh: THÚY HẰNG

Chưa có chế tài bắt buộc

Mặc dù, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản quy định nghiêm ngặt trong việc đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên, do chưa có sự ràng buộc hoạt động kiểm định gắn với hoạt động tuyển sinh của cơ sở đào tạo, chưa có cơ sở giáo dục hay chương trình đào tạo nào bị dừng tuyển sinh do chưa kiểm định nên đến nay mục tiêu hoàn thành kiểm định cơ sở giáo dục đại học vào năm 2020 chưa thể đạt được.

Theo Bộ GD-ĐT, một số cơ sở giáo dục đại học vẫn còn trì hoãn hoạt động kiểm định nhà trường với cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đây là bước lùi của các trường vì nếu không kiểm định sẽ rất khó để tiếp tục phát triển hay có những cải tiến, đổi mới, phát triển đơn vị.

Từ phía các trường đại học, dù xác định được sự cần thiết nhưng để thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục phải thay đổi từ tư duy đến hành động, chuyển mạnh từ tư duy quản lý định tính, hành chính sang tư duy quản lý chất lượng quá trình với các hồ sơ, minh chứng hoạt động cho tất cả lĩnh vực trong giai đoạn kiểm định. Đây là công việc rất công phu, đòi hỏi sự quyết liệt, kiên trì của mọi thành viên trong trường để thực hiện công tác kiểm định cho giai đoạn hoạt động 5 năm của nhà trường. Mặt khác, một số cơ sở giáo dục đại học hiện nay đội ngũ giảng viên không đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng. Thậm chí là tìm cách đối phó bằng các hình thức đi thuê bằng tiến sĩ, thạc sĩ để mở ngành, duy trì ngành để đáp ứng tạm thời các yêu cầu về xác định chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành… nên dẫn đến việc kéo dài thời gian tự kiểm định và chuẩn bị kiểm định ngoài.

Người học, doanh nghiệp cùng hưởng lợi

Trong bối cảnh hiện nay, khi các trường đại học cạnh tranh người học ngày càng quyết liệt, nên việc các cơ sở đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn KĐCLGD là rất lợi thế. Nói như PGS.TS Nguyễn Quang Giao, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng, kiểm định để xã hội hiểu cơ sở đào tạo đạt chuẩn chất lượng nhằm thuyết phục người học tìm đến. Việc này cũng nhằm khẳng định uy tín, là trách nhiệm giải trình của nhà trường trước xã hội, là chiếc gương phản chiếu hoạt động đảm bảo chất lượng. Các nhà trường nhìn vào đó để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người học và xã hội.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị ký kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực với Trường đại học Xây dựng Miền Trung và nhiều cơ sở giáo dục khác trong cả nước, cho hay: Ở góc độ nhà tuyển dụng, chúng tôi chú trọng đến yếu tố năng lực làm việc và chất lượng công việc của các nhân sự được tuyển dụng. Vì thế, với sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục đại học đã đạt KĐCLGD, được coi như “điểm cộng” khi chúng tôi tuyển dụng nhân sự. Ngoài ra, trong quá trình ký kết thỏa thuận hợp tác, Tập đoàn Đèo Cả cũng ưu tiên chọn những trường đã đạt kiểm định chất lượng để qua đó chúng tôi có thể tuyển dụng được những sinh viên phù hợp với vị trí việc làm sau khi các em tốt nghiệp.

Khi mọi hoạt động của trường đại học được thực hiện đúng theo các nguyên tắc bảo đảm chất lượng thì việc kiểm định chất lượng sẽ không còn là nỗi lo lớn của trường nữa, thậm chí nó trở thành nhu cầu tự thân của trường đại học. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có biện pháp đối với cơ sở chây ì trong hoàn thành KĐCLGD, kiên quyết dừng tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục không đạt chuẩn hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn.

Kết quả KĐCLGD được công khai giúp cơ sở giáo dục giải trình với xã hội, với các bên liên quan; giúp người học, phụ huynh lựa chọn được cơ sở giáo dục phù hợp để theo học và là một trong những điều kiện để thực hiện tự chủ giáo dục đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/262651/kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-dai-hoc--can-cong-khai-minh-bach.html