Kiểm định chất lượng giáo dục: Khó nhưng phải làm
Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là hoạt động mới, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả nguồn kinh phí, do vậy hiện nay nhiều trường học không mấy mặn mà. Giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, KĐCLGD được thực hiện từ giáo dục đại học cho đến giáo dục mầm non. Bộ GD&ĐT quy định rõ tiêu chuẩn đánh giá và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục.
Biết rõ thực trạng giáo dục
Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, KĐCLGD là giải pháp quản lý giáo dục quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đánh giá hiện trạng, xác định chính xác các điểm mạnh, điểm yếu của các cơ sở giáo dục, từ đó xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục.
Quy trình KĐCLGD gồm có tự đánh giá của cơ sở giáo dục, đăng ký đánh giá ngoài của cơ sở giáo dục; đánh giá ngoài cơ sở giáo dục; công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục. Chu kỳ KĐCLGD là 5 năm.
Kiểm định chất lượng giáo dục là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục. Trong ảnh: Thầy và trò Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: P.Lý
Để đánh giá chất lượng giáo dục, các trường căn cứ vào từng tiêu chí của mỗi tiêu chuẩn để tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài với Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT sẽ thành lập Đoàn đánh giá ngoài trực tiếp đánh giá và công nhận. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 57 trường tham gia đánh giá ngoài. Bậc mầm non có 29 trường, trong đó có 22 trường đạt cấp độ 3, 2 trường đạt cấp độ 1, 5 trường đạt cấp độ 2; tiểu học 12 trường, trong đó 7 trường đạt cấp độ 2, 5 trường đạt cấp độ 3; THCS 16 trường, trong đó 1 trường đạt cấp độ 1, 9 trường đạt cấp độ 2, 6 trường đạt cấp độ 3.
Tại TP.Quảng Ngãi, đến thời điểm này có tổng số 15 trường được đánh giá ngoài. Trong đó có 13 trường đạt cấp độ 3; 1 trường cấp độ 2; 1 trường cấp độ 1. Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi Dương Thị Như Cẩm, việc đánh giá chất lượng giáo dục được thực hiện nghiêm túc, mọi tiêu chí đạt được đều có minh chứng cụ thể. Nhiều trường đã nỗ lực thực hiện để đạt tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục, qua đó chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt.
Ở huyện Tư Nghĩa, đến thời điểm này có 5 trường được công nhận đạt mức độ 3, trong đó có 1 trường THCS và 4 trường mầm non. Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Hòa Đặng Thị Minh Thu cho biết, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất là khó khăn nhất, để đạt tiêu chuẩn này đòi hỏi phải có sự đầu tư từ ngành giáo dục và địa phương. Đối với các tiêu chí còn lại chủ yếu dựa vào sự nỗ lực của tập thể nhà trường. Nhà trường tự đánh giá và kết quả tổng số các chỉ số đạt 85, tỷ lệ gần 98%; tổng số các chỉ tiêu đạt 27, tỷ lệ trên 93%. Theo đó, năm học 2017-2018, nhà trường đăng ký tham gia đánh giá ngoài, kết quả đạt mức kiểm định cao nhất, mức độ 3.
Cần sự tích cực từ phía nhà trường
Ông Nguyễn Hồng Sơn nhận định, hoạt động KĐCLGD đã có những đổi mới, các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động KĐCLGD bước đầu đạt kết quả khả quan, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục các trường. Tuy nhiên, hiện nay công tác KĐCLGD ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Việc KĐCLGD được thực hiện tương tự với việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Các tiêu chí để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và các tiêu chí đạt KĐCLGD tương đối giống nhau. Tuy nhiên, khi đạt chuẩn quốc gia, thì các trường sẽ được đầu tư về cơ sở vật chất và được nhiều sự ưu tiên khác. Trong khi đó, các trường thực hiện KĐCLGD dường như không có bất kỳ sự ưu tiên nào. Hơn nữa dù trường phổ thông có đạt kiểm định chất lượng hay không, thì các bậc phụ huynh vẫn phải cho con em vào học vì được phân bổ theo địa bàn, điều này không tạo động lực để các trường đăng ký đánh giá ngoài.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa Trương Quang Dũng cho hay, hằng năm, Phòng đều có văn bản hướng dẫn các trường tự đánh giá và chủ động đăng ký đánh giá ngoài, nhưng rất ít trường đăng ký, nhất là bậc tiểu học và THCS. Các trường chưa thấy được quyền lợi của mình, nên không mấy mặn mà với việc đăng ký đánh giá ngoài mà chỉ thực hiện quy định tự đánh giá. Hơn nữa công tác KĐCLGD chưa thành nhu cầu tự thân, nên nhiều nhà trường không tự giác đăng ký.
Mặt khác, theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Thương, nhiều trường gặp khó vì hồ sơ phải chuẩn bị đầy đủ, với nhiều tài liệu liên quan trong khoảng thời gian 5 năm, trong khi đó phần lớn cán bộ làm công tác văn thư là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn lưu trữ. Ngoài ra, làm hồ sơ KĐCLGD rất tốn công, cần thời gian dài để hoàn thành bộ hồ sơ, do đó ban giám hiệu các trường cần phải vào cuộc tích cực.
P.LÝ-TR.PHƯƠNG
Đó là nhận định của Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nguyễn Trà khi trao đổi với PV Báo Quảng Ngãi về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông.
Ông Trà cho rằng, quản lý chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông là vấn đề có tính bức thiết, đáp ứng xu thế đổi mới giáo dục hiện nay. Cần thiết phải nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng giáo dục thông qua việc áp dụng các mô hình quản lý hiện đại, trong đó đảm bảo chất lượng là mô hình quản lý chất lượng phù hợp, nhằm giúp cho quá trình nâng cao chất lượng giáo dục đạt hiệu quả.
PV: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động quản lý chất lượng giáo dục hiện nay?
Ông NGUYỄN TRÀ: Trong quá trình hội nhập hiện nay, chất lượng giáo dục của các trường phổ thông bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu phù hợp với mục tiêu giáo dục của từng bậc học, đồng thời phải tiệm cận dần các chuẩn mực chất lượng giáo dục quốc tế. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới và so với trình độ của các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực, trên thế giới.
Để đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học phổ thông, các trường phải quan tâm triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng của nhà trường một cách có hệ thống, thông suốt, đồng bộ. Qua thực tế quản lý ở các trường phổ thông trong cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, hoạt động quản lý của nhà trường chủ yếu được triển khai theo mô hình quản lý chức năng, còn nặng tính hành chính, tầng bậc và không phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như hội nhập quốc tế. Hơn nữa, hệ thống đảm bảo chất lượng lâu nay chủ yếu quan tâm xây dựng ở bậc đại học. Do vậy, cần thiết phải đẩy mạnh việc xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng ở các trường phổ thông, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
PV: Đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông, thưa ông?
Ông NGUYỄN TRÀ: Đối với giáo dục phổ thông, xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng là một trong những phương thức quản lý chất lượng hiệu quả, nhằm đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững với mục đích đạt được mục tiêu đào tạo của nhà trường; thỏa mãn nhu cầu của người học; trang bị cho người học đủ năng lực để học tập ở bậc đại học hoặc tự tin tham gia thị trường lao động, phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường. Đồng thời, đây cũng là một trong những biện pháp cơ bản góp phần đổi mới giáo dục.
Việc xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen, niềm tin, tính tự giác của các thành viên trong nhà trường, luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện công việc vì chất lượng chung, tạo nền tảng quan trọng cho quá trình hình thành văn hóa chất lượng của nhà trường. Hệ thống đảm bảo chất lượng ở trường phổ thông được xây dựng và vận hành thành công sẽ đem lại hiệu quả thiết thực và bền vững đối với chất lượng dạy học của nhà trường.
M.ANH- D.HÙNG (thực hiện)