Kiếm được căn hộ vừa túi tiền rất khó

Hiện nay, khi nhu cầu nhà ở ghi nhận ở mức cao, thì thị trường căn hộ tại Hà Nội lại đối mặt cùng thách thức, làm sao có thể đáp ứng được nguồn cầu với những sản phẩm phù hợp, đặc biệt là căn hộ vừa túi tiền bởi để kiếm được rất khó…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Savill Việt Nam thông tin, quý 4/2022, căn hộ có nguồn cung mới thấp nhất trong 8 năm vừa qua, bao gồm 12.637 căn. Trong đó, căn hộ hạng B chiếm 83%, tiếp sau là căn hộ hạng A 9%, và căn hộ hạng C chỉ ghi nhận một phần nhỏ. Theo đơn vị này, tổng nguồn cung sơ cấp quý 4/2022 khoảng 20.333 căn hộ, giảm 3% theo quý, 6% theo năm. Thị trường không có thêm dự án mới, toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp của 6 dự án hiện tại. Số lượng giao dịch đạt 2.890, giảm 20% theo quý, 30% theo năm.

Về vấn đề này, đại diện Savill đánh giá, hoạt động giao dịch bất động sản theo quý vẫn đang rơi vào trạng thái trầm lắng, điều này xuất phát từ việc mất cân đối nguồn cung, khi tỷ trọng nguồn cung hạng B chiếm chủ yếu, trong khi căn hộ hạng C - phân khúc có nguồn cầu lớn nhất lại có nguồn cung hạn chế. Nhất là trên các thị trường lớn như Hà Nội, việc “nguồn cung không phù hợp” diễn ra tương đối phổ biến.

“Nếu như ở thời điểm trước, căn hộ hạng C chiếm tỉ trọng đến 40-50%, cạnh tranh trực tiếp với lượng hàng từ căn hộ hạng B, thì nay phân khúc căn hộ hạng C ước tính dưới 10%. Nguồn cung sơ cấp của thị trường căn hộ để bán đa phần gồm căn hộ hạng B, số lượng căn phù hợp đại đa số nhu cầu, hay phân khúc hạng C không lớn. Kiếm được những sản phẩm giá bán phù hợp túi tiền rất khó trên thị trường”, chuyên gia bày tỏ.

Tương tự, Bộ Xây dựng chia sẻ, quý 4/2022, giá giao dịch căn hộ trung cấp mức từ 25-50 triệu/m2 và căn hộ cao cấp trên 50 triệu tại Hà Nội có rất nhiều dự án chào bán, quảng cáo, còn căn hộ bình dân giá dưới 25 triệu đồng/m2 được xác định ít.

Từ tình hình thực tế trên, để phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đồng thời giải bài toán khó khăn của nhà ở hiện nay, khi cung chưa thực sự đáp ứng được cầu, đại diện Savill Việt Nam cho rằng, thị trường cần những giải pháp tổng thể, mang tính chiến lược, dài hạn.

Trong đó phải giải quyết vấn đề pháp lý, vì đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc không có nhiều nguồn cung căn hộ phù hợp trên thị trường. Theo vị này, tình hình có thể được cải thiện nhiều hơn vào năm 2024, khi khung pháp lý đã hoàn thiện hóa và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thông qua. Riêng "Dự án căn hộ vừa túi tiền cần có cơ chế tháo gỡ riêng giúp chủ đầu tư thấy rằng, lợi nhuận kỳ vọng phù hợp với chi phí đầu tư và công sức bỏ ra, từ đó thúc đẩy chủ đầu tư tham gia vào thị trường”, chuyên gia nêu.

Cũng đưa ý kiến, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay đã yêu cầu các địa phương, bao gồm cả Hà Nội khẩn trương rà soát lập danh mục dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng chưa triển khai, hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường; đẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm, trậm trễ trong giải quyết thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.

Đặc biệt tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kiem-duoc-can-ho-vua-tui-tien-rat-kho.htm