Kiểm duyệt phim Việt có đang cảm tính, khắt khe quá không?
Quy định về kiểm duyệt phim điện ảnh nhận được sự quan tâm lớn từ các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28-10.
Tiền kiểm hay hậu kiểm?
Đề cập đến 3 hình thức phổ biến phim, nhất là hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc phổ biến phim trên không gian mạng dù đã quy định nhưng vẫn có khoảng trống rất khó kiểm soát, bởi khối lượng phổ biến trên không gian mạng là quá lớn. Vì thế, rất khó cho công tác tiền kiểm.
Nhưng nếu chỉ hậu kiểm thì không thể kiểm soát được những bộ phim có nội dung độc, hại, không thu hồi được phim có nội dung xấu.
Thiên về phương án hậu kiểm vì cho rằng “phù hợp, khả thi hơn”, song ông Nguyễn Phương Tuấn đề nghị cần phải rà soát lại các quy định sao cho có sự thống nhất giữa Luật Điện ảnh với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng.
Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đồng tình quan điểm chỉ có thể một trong hai phương án, hoặc tiền kiểm, hoặc hậu kiểm, chứ khó lựa chọn phương án chung dung. Bởi để nhà nước xác định được các cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng thì nhà nước phải rà soát các cơ sở phổ biến phim để lập danh sách đáp ứng các tiêu chí, điều này không quá gì tiền kiểm, cơ quan nhà nước có nguy cơ quá tải.
Nhất trí với phương án hậu kiểm, bà Mai Thị Phương Hoa đề nghị song song với quy định này cần xây dựng tiêu chí phân loại phim; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim; quy định cụ thể các hành vi vi phạm và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Còn đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) cho rằng nếu thực hiện tiền kiểm rồi mới tiến hành cấp phép phát hành phim là không phù hợp với xu thế. Bà Khang Thị Mào đồng tình với quy định trong dự án luật, tức là tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm các quy định tại luật, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.
Bộ VH-TT&DL thực hiện việc kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý về thông tin và truyền thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
“Sợi dây kiểm duyệt đang bị kéo căng”
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nhìn nhận, điều khó khăn nhất khi chắp bút dự luật này là đưa hoạt động mang tính nghệ thuật sáng tạo vào khuôn khổ thể chế, trong khi biên độ sáng tạo vốn không có giới hạn.
“Làm thế nào để hài hòa giữa quản lý nhà nước về hoạt động điện ảnh mà không gây ức chế sáng tạo để người nghệ sỹ thăng hoa sáng tạo giữa ranh giới mong manh giữa truyền thống văn hóa với cái mới được hình thành trong thế giới phẳng, phải là mục tiêu chính của dự luật lần này”, ông Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.
Dẫn thực trạng một số phim nước ngoài vi phạm vẫn lọt vào các rạp chiếu trong khi các tác phẩm điện ảnh Việt Nam được giải thưởng nước ngoài lại bị cấm chiếu ngay tại “sân nhà”, đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề việc đánh giá, kiểm duyệt các tác phẩm điện ảnh thời gian qua liệu có cảm tính và khắt khe quá không.
“Tâm lý lo âu, thấp thỏm của các đạo diễn khi đi kiểm duyệt phim khiến công chúng mường tượng quang cảnh một phiên tòa, thiếu vắng bầu không khí cởi mở, chân tình. Dường như sợi dây kiểm duyệt đang bị kéo căng giữa nhà quản lý và người làm điện ảnh”, ông Phạm Trọng Nhân nói và cho rằng rất cần những cuộc thảo luận cởi mở, đừng để cái bóng quá lớn của những nguyên tắc, lề luật đè mãi trên vai nền điện ảnh Việt Nam.
Đánh giá cao việc dự luật lần đầu tiên đưa khái niệm “công nghiệp điện ảnh”, trong đó có đề cập thị trường điện ảnh, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng bên cạnh sự quan tâm cơ chế ưu đãi thuế, đầu tư thì cần quan tâm cơ chế nhà nước đặt hàng, cơ chế thua mua sản phẩm…
Nữ đại biểu đoàn Nam Định cũng đề nghị hạn chế mức thấp nhất trong các tác phẩm điện ảnh thể hiện nhân vật là những người thành đạt trong xã hội, những người hùng, “soái ca”… Bởi những người này là thần tượng của bộ phận thanh thiếu niên, thể hiện những cảnh hút thuốc lá hoặc uống rượu trong các phim gây cách hiểu lệch lạc trong thanh, thiếu niên, gián tiếp cổ xúy cho hành vi uống rượu, hút thuốc lá.
Bà Mai Thị Phương Hoa cũng đề nghị ban soạn thảo nghiêm túc rà soát các nội dung, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh để quy định chi tiết hết trong luật này, tránh quy định chung chung. Bởi theo bà, nếu quy định không rõ ràng sẽ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng, đồng thời các cơ quan, tổ chức cũng không biết để tránh vi phạm.
Phát biểu giải trình, làm rõ thêm ý kiến đại biểu nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết về vấn đề cấp phép, theo quy định tại luật hiện hành việc này do cơ quan nhà nước là Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh thực hiện. Vì vậy, trong luật sửa đổi dự kiến sẽ kế thừa nội dung này.
Về phân loại phim, ban soạn thảo luật đề xuất theo hướng giao trách nhiệm cho các nhà sản xuất, phát hành phim phải chịu trách nhiệm cung cấp nội dung thiết kế, theo hướng hậu kiểm trước khi xem xét phổ biến tác phẩm trên không gian mạng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết cái khó là hiện chúng ta mới chỉ kiểm soát được phần âm thanh còn về hình ảnh chưa có công nghệ để kiểm soát. Do đó, khi thiết kế luật phải cân nhắc làm sao để không lọt phim có nội dung không phù hợp với Việt Nam, chưa nói tới vi phạm các quy định của pháp luật.