Kiếm hiệp: Sự thật về trận thắng của Tây Môn Xuy Tuyết trước Diệp Cô Thành

Điều tiếc nuối của nhiều độc giả yêu thích kiếm hiệp Cổ Long có lẽ chính là trận so tài giữa hai vị kiếm khách bậc nhất thiên hạ. Người đọc nào cũng hiểu rằng, trong kiếm ý của mình, Diệp Cô Thành là cầu tử chứ không cầu thắng, chính vì thế, chiến thắng của Tây Môn Xuy Tuyết chưa thực sự thuyết phục.

Nói về bối cảnh giang hồ được tô vẽ qua ngòi bút của nhà văn Cổ Long, các fan kiếm hiệp hẳn sẽ không quên những vị hiệp khách đáng nhớ như: Lục Tiểu Phụng, Sở Lưu Hương, Yến Nam Thiên, Lý Tầm Hoan… Họ đều là anh hùng với võ công tuyệt thế, đỉnh đỉnh đại danh trên giang hồ mà ai nghe tên cũng phải khiếp sợ. Thế nhưng, nếu để nói về kiếm thì có lẽ, chỉ có hai cặp đôi Tây Môn Xuy Tuyết - Diệp Cô Thành và Yến Thập Tam và Tạ Hiểu Phong để lại nhiều cảm xúc nhất. Trong đó trận đấu so tài giữa Tây Môn Xuy Tuyết - Diệp Cô Thành để lại nhiều tiếc nuối của nhiều độc giả.

Tây Môn Xuy Tuyết và Diệp Cô Thành là hai nhân vật truyền kỳ và huyền thoại vào loại bậc nhất trong thế giới của Cổ Long. Cũng như bao nhân vật khác của ông, xuất thân và võ công đều không được đề cập nhiều.

Tây Môn Xuy Tuyết (Hà Nhuận Đông) là người vô tình, lạnh lùng cả cuộc đời đều coi "Kiếm Đạo" là nguồn sống.

Tây Môn Xuy Tuyết (Hà Nhuận Đông) là người vô tình, lạnh lùng cả cuộc đời đều coi "Kiếm Đạo" là nguồn sống.

Tây Môn Xuy Tuyết là một kiếm khách tuyệt đỉnh với hình ảnh về vị đại hiệp chuyên mặc đồ trắng và là khắc tinh của cái ác. Nổi tiếng với 2 chiêu Nhất Kiếm Tây Lai và Lãnh Ngạo Kiếm Tuyết, Tây Môn Xuy Tuyết bề ngoài thì lạnh lùng nhưng thực chất lại rất trọng tình, trọng nghĩa. Dù đã có vợ con nhưng đây vẫn được cho là kiếm sĩ vô địch, thần kiếm.

Tây Môn Xuy Tuyết nổi danh giang hồ nhờ vào kiếm pháp của mình, trân trọng kiếm, coi kiếm như sinh mệnh, đoạt mệnh người khác nhanh như tia chớp, đó cũng là một nghệ thuật. Tây Môn Xuy Tuyết ở Vạn Mai Sơn Trang, tên cũng như người, nghe thấy đã làm cho võ lâm lạnh người.

Diệp Cô Thành (Lưu Đức Hoa) nổi tiếng với chiêu Thiên Ngoại Phi Tiên.

Diệp Cô Thành (Lưu Đức Hoa) nổi tiếng với chiêu Thiên Ngoại Phi Tiên.

Diệp Cô Thành ngoài là một cao thủ dùng kiếm, y còn rất yêu thích thơ văn, đặc biệt là bài thơ "Lương Châu Từ" hay "Xuất Tái" của Vương Chi Hoán. Y thành danh bởi chiêu kiếm Thiên Ngoại Phi Tiên, tề danh với Nhất Kiếm Tây Lai của Tây Môn Xuy Tuyết cũng như là Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung Phục của Kim Dung vậy. Diệp Cô Thành coi Lục Tiểu Phụng như bằng hữu, và y cũng chỉ xem trọng vào mắt mình có Lục Tiểu Phụng và Tây Môn Xuy Tuyết. Y là con người cuồng ngạo, cô độc, tịch mịch. Y cho rằng: "Lâu cao thì cô tịch".

Trận so tài nhiều tiếc nuối của hai kiếm khách bậc nhất thiên hạ

Diệp Cô Thành và Tây Môn Xuy Tuyết có nhiều điểm chung: Đều dùng trang phục trắng, xa lánh với thế tục, không đam mê tửu sắc và đều cuồng kiếm đạo.

Lục Tiểu Phụng và Diệp Cô Thành.

Lục Tiểu Phụng và Diệp Cô Thành.

Lục Tiểu Phụng đã cho rằng, giữa hai kẻ kiếm pháp kinh hồn lục phách ấy lại có vô vàn điểm chung. Diệp Cô Thành đã từng một lần giao đấu bất phân thắng bại với Lục Tiểu Phụng, khi y tung ra chiêu Thiên Ngoại Phi Tiên thì Lục Tiểu Phụng đã dùng Linh Tề Nhất Chỉ chống lại chiêu kiếm ấy. Sau này, Diệp Cô Thành tham gia âm mưu lật đổ hoàng thượng của Vương Gia, thực hiện kế trộm long tráo phụng, bằng cách thay một người giống hệt với Hoàng Thượng. Diệp Cô Thành đồng thời ước chiến với Tây Môn Xuy Tuyết tại đỉnh Tử Cấm Thành để hợp thức hóa sự có mặt của mình ở Trung Nguyên. Sự hiệp ước ấy cũng trở nên truyền kì qua câu: "Nguyệt viên chi dạ. Tử cấm chi đỉnh. Nhất Kiếm Tây Lai Thiên Ngoại Phi Tiên".

Cùng thời điểm Diệp Cô Thành vào tửTử Cấm Thành hành thích hoàng thượng, một Diệp Cô Thành giả đã được sắp xếp để giao đấu với Tây Môn Xuy Tuyết. Không may, kế hoạch ấy đã bị phát hiện bởi Lục Tiểu Phụng, Diệp Cô Thành đánh ra ba chiêu, nhưng đều bị Lục Tiểu Phụng cản phá. Trong cơn hoảng hốt, Diệp Cô Thành phóng ra ngoài và chấp nhận giao đấu với Tây Môn Xuy Tuyết. Kiếm pháp của Tây Môn Xuy Tuyết tuy ảo diệu, nhưng đã không thoát ra nổi sự khống chế của Diệp Cô Thành.

Chiêu Nhất Kiếm Tây Lai của Tây Môn Xuy Tuyết dường như bị một cái gì đó ràng buộc, nó không phiêu hốt, uyển chuyển thanh thoát như mây trắng trên nền trời xanh như chiêu Thiên Ngoại Phi Tiên của Diệp Cô Thành nên đã thua mất nửa chiêu. Tây Môn Xuy Tuyết dường như sẽ chết về tay của Diệp Cô Thành thì Diệp Cô Thành chệch mũi kiếm ra và lao mình vào kiếm của Tây Môn Xuy Tuyết. Y biết rằng, mình có bại Tây Môn Xuy Tuyết thì cũng phải đối mặt với triều đình, nên đã chọn một cái chết của bậc kiêu hùng. Tây Môn Xuy Tuyết hiểu ra và thành toàn cho y. Sau cuộc chiến, Tây Môn Xuy Tuyết đem di thể của Diệp Cô Thành đi.

Vậy là, đáng lẽ danh hiệu đệ nhất kiếm khách phải thuộc về Diệp Cô Thành thì ý trời trêu ngươi, hắn lại vì giấc mộng hoàng đế đã tan vỡ, quyết cầu tử để rời bỏ cõi trần. Biết là để tạo ra nút thắt, sự kịch tính cho câu chuyện, tác giả phải sáng tạo những tình tiết bất ngờ, thế nhưng, kết quả trận chiến lại làm nhiều độc giả nuối tiếc.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/kiem-hiep-su-that-ve-tran-thang-cua-tay-mon-xuy-tuyet-truoc-diep-co-thanh/20190923060919280