Kiểm lâm Bắc Giang khởi tố vụ án đốt, phá rừng tự nhiên quy mô lớn

Phát hiện vụ đốt phá rừng tự nhiên với quy mô lớn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ban hành quyết định khởi tố vụ án.

Sáng nay (18/8), trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam cho biết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Nam vừa ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ cháy, phá rừng tự nhiên xảy ra tại khu vực Đá Gay, khoảnh 54, tiểu khu 113, thuộc thôn Đồng Vành 2, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang.

Trước đó, ngày 17/6, đơn vị đã phối hợp cùng UBND xã Lục Sơn, Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn và Tổ bảo vệ rừng thôn Đồng Vành 2 kiểm tra rừng tại khu vực Đá Gay, Khe Quang (Đội sản xuất Nước Vàng, thuộc Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn), phát hiện có nhiều điểm với tổng diện tích khoảng 7 ha đã bị các đối tượng tự ý phát luống, đốt cháy, đánh dấu xí phần và trồng cây công nghiệp trái phép.

Hiện trường vụ đốt, phá rừng tự nhiên tại Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn.

Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam đã lập biên bản và báo cáo cấp trên theo đúng quy định. Tuy nhiên, từ chiều 17-18/6/2021, lại tiếp tục xảy ra 5 điểm cháy rừng tại 3 khoảnh: 40, 53 và 54 gần đó, với tổng diện tích đám cháy khoảng 3 ha.

Sau khi phối hợp kiểm đếm, đã có 10,06 ha rừng tự nhiên bị đốt phá và 3 ha bị các đối tượng trồng cây bạch đàn để lấn chiếm đất (3 ha này trước đây cũng là rừng tự nhiên, bị người dân đốt phá từ năm 2019 và 2020).

Diện tích rừng bị thiệt hại 5,15 ha là rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn) quản lý.

Trao đổi về vụ việc trên, lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn cho biết, tình trạng người dân đốt, phá rừng tự nhiên để lấn chiếm đất trồng cây lâm nghiệp trên địa bàn đã diễn ra từ năm 2015 đến nay.

Theo số liệu thống kê, đến nay, tổng diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại, lấn chiếm đã lên đến hơn 100 ha. Trong đó, vụ việc xảy ra gần đây là có quy mô lớn nhất.

Tuy sau khi phát hiện vụ việc, Công ty và chính quyền địa phương đã phối hợp cưỡng chế, nhổ bỏ số lượng cây trồng nhưng sau đó người dân lại tiếp tục trồng lại để tái lấn chiếm.

Bên cạnh đó, do nhiều vụ việc xảy ra trước đó nhưng cơ quan chức năng đều không thể làm rõ, xử lý đối tượng liên quan dẫn đến tình trạng nhờn luật, tái phạm khiến diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp, suy giảm chất lượng.

Hồng Nguyên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/kiem-lam-bac-giang-khoi-to-vu-an-dot-pha-rung-tu-nhien-quy-mo-lon-d521172.html