Kiểm sát viên huyện Điện Biên được vinh danh 'người hùng' bảo vệ động vật hoang dã
KSV Hứa Ngọc Thông (VKSND huyện Điện Biên) được Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) vinh danh 'người hùng' bảo vệ động vật hoang dã do những đóng góp ý nghĩa vào việc truy tố tội phạm buôn bán động vật hoang dã.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết, lễ trao giải Cống hiến về Bảo vệ động vật hoang dã ghi nhận vai trò quan trọng của các cơ quan thực thi pháp luật, Tòa án, Viện kiểm sát không chỉ trong việc bảo đảm pháp luật về động vật hoang dã được thực thi mà còn góp phần nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã.
Sau khi phát động, ENV đã nhận được 40 đề cử từ các cá nhân và tập thể trên cả nước. Hội đồng giám khảo đã xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và lựa chọn các cá nhân, tập thể có đóng góp đặc biệt ý nghĩa trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học Việt Nam để tiến hành trao giải.
Các giải thưởng được trao gồm: Giải cán bộ thực thi pháp luật xuất sắc nhất, Giải Thẩm phán xuất sắc nhất, Giải Kiểm sát viên xuất sắc nhất, Giải Tập thể xuất sắc nhất và Giải Đặc biệt “Chiến công xuất sắc triệt phá đường dây tội phạm về động vật hoang dã”.
Trong đó, Giải Đặc biệt “Chiến công xuất sắc triệt phá đường dây” được trao cho tập thể cán bộ TAND tỉnh Khánh Hòa với việc tổ chức hợp tác điều tra, bắt giữ, truy tố và giam giữ kẻ cầm đầu mạng lưới tội phạm về động vật hoang dã, tạo ra chuyển biến lớn trong trông công tác bảo vệ động vật hoang dã trên phạm vi cả nước và thế giới.
Lễ trao giải diễn ra trong bối cảnh Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đang thực sự phát huy tác dụng. Trong đó có việc tăng mức phạt tù tối đa đối với tội phạm về động vật hoang dã lên đến 15 năm. Ngày càng có nhiều bản án tù giam từ 5 năm trở lên được thi hành.
Mới đây, vào tháng 11/2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh kết án 13 năm tù một đối tượng có hành vi nuôi nhốt, buôn bán 145 cá thể tê tê Java. Mười đối tượng khác trong vụ án cũng bị kết án từ 5 - 8 năm tù giam.
ENV cho biết, đây là lần thứ 3 giải thưởng được tổ chức với 5 hạng mục được lựa chọn.
Bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) cho biết, qua theo dõi, chỉ 6 tháng đầu năm 2019, hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD bị phát hiện, bắt giữ. Điều đó thể hiện quy mô, mức độ nghiêm trọng của tình trạng này tại Việt Nam.
Theo bà Caryn, hiện nay Bộ luật Hình sự đã quy định mức phạt cao hơn. Chính vì vậy, rất cần những con người đi đầu, thượng tôn pháp luật. Hoa Kỳ đã và đang hỗ trợ tập huấn kỹ năng điều tra nghiệp vụ cho các tổ chức thi hành pháp luật của Việt Nam trong việc điều tra tội phạm ĐVHD.
"Thời gian tới, Hoa Kỳ cam kết sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong công tác chống lại nạn buôn bán ĐVHD. Cuộc chiến bảo vệ ĐVHD chính là bảo vệ sinh thái, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta", bà Caryn nói.
Các đơn vị và cá nhân được ENV vinh danh: Đội 2, Phòng PC05 (Công an tỉnh Hà Tĩnh); Đội 1, Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hóa; Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa; Ông Ngô Đức Thụ, Thẩm phán, Tòa án nhân dân quân Tân Bình (TP. HCM); Ông Hứa Ngọc Thông, Phó Viện trưởng, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên); Ông Nguyễn Minh Tiến, Đội trưởng Đội 2, Phòng PC05 (Công an tỉnh Kiên Giang); Ông Lưu Phước Nguyên, Đội trưởng Đội 2, Phòng PC05 (Công an tỉnh Quảng Nam).
Năm 2018, ông Hứa Ngọc Thông (Phó Viện trưởng VKSND huyện Điện Biên) được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra truy tố xét xử vụ án hình sự, vận chuyển trái phép 27 cá thể rùa đầu to và 04 chi gấu ngựa, với mục đích mang về Việt Nam bán kiếm lời. Tại phiên xét xử, Kiểm sát viên Hứa Ngọc Thông đã đề nghị mức án 10 năm tù giam cho hành vi vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã. HĐXX đã tuyên án theo mức án đề nghị của VKS.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, bản án 10 năm tù giam đã được áp dụng với một đối tượng tội phạm về ĐVHD, là mốc đặc biệt khẳng định quyết tâm đấu tranh với tội phạm về ĐVHD của Việt Nam