Kiểm soát an toàn các hoạt động đón Tết
Tháng Chạp về, không khí chuẩn bị cho Tết Nguyên đán trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, người người, nhà nhà tất bật lo toan, sắm sửa. Tuy nhiên, ẩn sau các hoạt động đón Tết là không ít hiểm họa rình rập. Để có một mùa Tết an vui, bên cạnh nỗ lực kiểm soát an toàn của cơ quan chức năng, mỗi cá nhân cần chủ động nâng cao ý thức phòng ngừa và bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng.
Đủ kiểu hiểm họa rình rập
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, chỉ còn hơn nửa tháng nữa chúng ta sẽ chào đón Tết Nguyên đán 2025. Ngay từ đầu tháng Chạp, không khí Tết đã bắt đầu len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, mang theo những cảm xúc rạo rực và háo hức về một mùa lễ hội sum vầy. Khi sắc xuân rộn rã trên khắp các tuyến đường, không khí Tết tràn ngập muôn nơi, những hoạt động quen thuộc như dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, mua sắm, tiệc tùng tất niên hay tham gia các lễ hội cuối năm cũng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, giữa niềm vui chờ đón năm mới, không ít thông tin về hiểm họa từ các hoạt động đón Tết liên tục xuất hiện trên báo đài. Những vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông hay sự cố pháo nổ,… khiến người dân không khỏi lo lắng. Những hiểm họa này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mỗi cá nhân mà còn làm gián đoạn niềm vui sum họp, đoàn viên của biết bao gia đình trong dịp Tết.
Hàng năm, cứ đến thời điểm giáp Tết, tình trạng buôn bán, tàng trữ, chế tạo, sử dụng trái phép các loại pháo nổ, pháo hoa nổ lại diễn biến phức tạp, dẫn đến nhiều vụ nổ gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí cướp đi sinh mạng con người. Đáng chú ý, xuất hiện hàng loạt vụ tai nạn thương tâm có liên quan đến pháo tự chế với nạn nhân là học sinh, thanh, thiếu niên tự mua nguyên liệu, học cách chế tạo pháo qua mạng xã hội.
Minh chứng là các bệnh viện trên cả nước liên tục ghi nhận nhiều trường hợp học sinh, thanh, thiếu niên bỏng nặng, mất thị lực, phải cắt bỏ tay,… thậm chí tử vong do pháo tự chế phát nổ. Điển hình là vụ nổ pháo tự chế tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, khiến 6 thanh, thiếu niên thương vong, trong đó 5 nạn nhân bị bỏng nặng, đa chấn thương và 1 nạn nhân tử vong. Dù lực lượng Công an và các ngành chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo nhưng các vụ tai nạn đau lòng vẫn xảy ra cho thấy hiểm họa tiềm tàng từ pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo tự chế.
Bên cạnh các loại pháo cấm sử dụng, theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP, người dân được phép sử dụng pháo hoa không nổ mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Đón Tết, nhu cầu mua bán, sử dụng pháo hoa không nổ tăng cao, tuy nhiên, không phải người dân nào cũng nắm rõ quá trình sử dụng để bảo đảm an toàn, phòng ngừa nguy cơ cháy nổ và đúng quy định của pháp luật. Đã từng có một số vụ việc người dân đốt pháo hoa ngay ở ban công chung cư, không bảo đảm khoảng cách an toàn, rất dễ dẫn đến cháy nổ.
Đây cũng là thời điểm các hiểm họa liên quan đến cháy nổ diễn biến phức tạp khi các hoạt động mua sắm hàng hóa, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã; sử dụng gas, điện, nhiên liệu trong sinh hoạt của người dân gia tăng. Đồng thời, cuối năm là lúc các nhà xưởng, cơ sở sản xuất tăng cường công suất hoạt động để phục vụ người tiêu dùng dịp Tết. Do đó, việc liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng tại khu dân cư, xưởng sản xuất đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ trong thời gian này.
Cùng với cháy nổ, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông cũng có xu hướng gia tăng trong những ngày cuối năm. Tai nạn thương tích trong các hoạt động đón Tết thường xảy ra khi dọn dẹp nhà cửa. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không cẩn thận, làm không đúng cách rất dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Nhẹ thì sây sát da, trật khớp, đau lưng,… nặng thì liệt tủy, chấn thương cột sống, rách nhãn cầu, đứt mạch máu…
Trong các hoạt động đón Tết cũng không thể thiếu những bữa tiệc liên hoan tổng kết, tất niên, đằng sau những bữa tiệc tưng bừng ấy luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông nếu người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Chưa kể, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng và tâm lý vội vã của người dân vào những ngày cuối năm cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.
Một vấn đề khác cũng đáng lo ngại đó là hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn. Tết là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, đặc biệt là các loại thịt, cá, trứng, bánh mứt, bia, rượu và nước giải khát. Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít cơ sở sản xuất và kinh doanh các mặt hàng không bảo đảm chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi, người tiêu dùng thường ưu tiên những gì “ngon miệng”, “hợp túi tiền” mà nhiều lúc không quan tâm đến xuất xứ. Từ đó dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc thậm chí những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tết vui là Tết an toàn
Với mong muốn kết thúc năm cũ, đón chào năm mới thật tốt đẹp, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp… tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, yếu tố an toàn được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh hiểm họa từ các hoạt động đón Tết vẫn luôn hiện hữu.
Nhằm tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự, ổn định xã hội, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ Công an phát động đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/12/2024 đến 14/02/2025. Một trong những nội dung trọng tâm là thực hiện tốt công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, không để phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán.
Trước nội dung trên, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng công an các đơn vị, địa phương đã, đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm. Hàng loạt vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo quy mô lớn đã bị triệt phá; nhiều trường hợp học sinh, thanh niên tự chế pháo nổ để sử dụng hoặc mua bán trái phép cũng được xử lý kịp thời. Đồng thời, lực lượng công an tích cực vận động người dân giao nộp pháo, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, không để xảy ra đốt pháo nổ trong dịp Tết.
Cùng với đó, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng được tăng cường, tập trung xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải, xe khách, xe container và bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh. Chuẩn bị các phương án để phòng ngừa và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, kiên quyết ngăn chặn hành vi đua xe trái phép. Triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống cháy, nổ trong dịp Tết và các lễ hội đầu xuân, các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đầu năm. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn và kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
Về công tác y tế nói chung và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nói riêng, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký Chỉ thị tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, nội dung chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin, cảnh báo nguy cơ ngộ độc. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong dịp Tết.
Với Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Phối hợp phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, huy động nguồn lực, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức về an toàn thực phẩm. Huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân 2025.
Ngoài ra, còn nhiều chỉ thị, kế hoạch được ban hành cho thấy nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương trong việc bảo đảm người dân đón Tết an toàn. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn nằm ở ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Tết vui là Tết an toàn, vì vậy mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa và bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng. Chỉ khi đó, công tác kiểm soát an toàn trong các hoạt động đón Tết mới đạt hiệu quả cao.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kiem-soat-an-toan-cac-hoat-dong-don-tet-post537443.html