Kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động
Những năm qua, cùng với việc quan tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng duy trì các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Trong đó, tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nguy cơ, rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, góp phần hạn chế tai nạn lao động trong các doanh nghiệp.
Ảnh: Anh Thư
Trên địa bàn toàn tỉnh có 3.452 doanh nghiệp, hoạt động trên các lĩnh vực: Xây dựng, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, khai thác vật liệu xây dựng... với trên 57.270 lao động. Để duy trì các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) theo quy định của pháp luật, là cơ quan chuyên môn, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ và các văn bản triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật về hợp đồng lao động, nội quy lao động.
Nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt quy định của Pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động tại đơn vị. Thường xuyên rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật lao động và phòng, chống cháy, nổ tại các bộ phận, phân xưởng. Định kỳ tự kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ đối với các thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Đồng thời, tổ chức huấn luyện định kỳ về ATVSLĐ và cấp thẻ, giấy chứng nhận ATVSLĐ cho người lao động. Tổ chức quan trắc môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đơn vị.
Hàng năm, các doanh nghiệp thực hiện cấp phát trang bị, phương tiện bảo hộ cá nhân như quần áo, găng tay, mũ... cho người lao động. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; có chế độ nghỉ điều dưỡng sức khỏe và lập hồ sơ quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bố trí công việc phù hợp với từng người lao động. Ngoài ra, còn thực hiện tốt chế độ bồi dưỡng ca, nghỉ dưỡng sức cho người lao động.
Tháng hành động ATVSLĐ năm nay có chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 25/3/2021 về tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ; ban hành Công văn số 463/SLĐTBXH-LĐVL&GDNN về tổ chức thực hiện Tháng hành động ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ, như: Cung cấp các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về công tác ATVSLĐ phù hợp với từng nhóm đối tượng, từ đó nâng cao ý thức, nền nếp thực hiện các quy định về ATVSLĐ cho người lao động. Tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động và Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Ảnh: Anh Thư
Đồng thời, căng treo băng rôn, khẩu hiệu thực hiện Tháng ATVSLĐ với nội dung: Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn vệ sinh viên; chủ động rà soát, đánh giá nguy cơ rủi ro mất ATVSLĐ và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc; thực hiện nghiêm các nội quy, quy trình và giải pháp bảo đảm ATVSLĐ và phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc...
Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Thông tư số 10/1998/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, nhất là các trang bị phòng chống dịch COVID-19, như: Nước sát khuẩn, găng tay, khẩu trang, mặt nạ phòng giọt bắn, ủng, mũ...
Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm ATVSLĐ, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, duy trì các hoạt động về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật; tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ để tạo ý thức, nền nếp, thói quen tuân thủ các quy định về ATVSLĐ cho người lao động.
Hai là, tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trước khi làm việc và thường xuyên trong quá trình lao động.
Ba là, tổ chức các hoạt động giám sát, phối hợp kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ. Trong đó, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ như: Xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, hóa chất...
Bốn là, tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp; thường xuyên kiểm tra điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và có các biện pháp khắc phục kịp thời khi các điều kiện lao động không đảm bảo an toàn.
Năm là, đẩy mạnh các phong trào thi đua, nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”, phong trào lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động...
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và người lao động, tin rằng công tác bảo đảm ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ được thực hiện nghiêm túc, đúng Luật An toàn vệ sinh lao động và Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Nguyễn Tuấn Anh
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội