Kiểm soát các ổ dịch không để lan rộng

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tuyên Quang là 1 trong 20 tỉnh trong toàn quốc đang có nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Trước thực tế này, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch, kiên quyết không để lây lan trên diện rộng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 28-5, toàn tỉnh đã có 14 xã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày, trong đó Lâm Bình 4 xã, Chiêm Hóa 3 xã, Na Hang 5 xã, Hàm Yên 2 xã.
Ngày 8-5, đàn lợn 13 con, trong đó 1 lợn nái và 12 con lợn thịt của gia đình ông Hoàng Văn Tuyết, thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) xuất hiện những dấu hiệu bất thường, bỏ ăn, mệt mỏi dẫn đến chết. Kết quả các mẫu bệnh phẩm đều phản ứng dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Ông Linh Văn Hoan, nhân viên thú y xã Tân An cho biết, sau thời gian dịch tả lợn châu Phi tạm lắng, nhiều hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn. Vừa mới tái đàn thì dịch đã tái trở lại khiến người chăn nuôi hoang mang, lo lắng.

Người dân thôn Ngòi Khang, xã Minh Dân (Hàm Yên) phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi lợn.

Người dân thôn Ngòi Khang, xã Minh Dân (Hàm Yên) phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi lợn.

Tại thôn Bản Chợ, Nà Khuyến, xã Yên Hoa (Na Hang) đàn lợn của 1 số hộ dân cũng bị tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Yên Hoa cho rằng, dịch tả lợn châu Phi tái phát gây thiệt hại cho người chăn nuôi, việc tái đàn không thực hiện được. Hiện, các hộ chăn nuôi đều đã dừng tái đàn vì lo lắng dịch bùng phát.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2019 khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhập ở những vùng trọng điểm chăn nuôi lợn như Sơn Dương, Yên Sơn thì nay có sự dịch chuyển về các xã vùng sâu, vùng xa vốn được coi là an toàn như Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định, dịch tả lợn tái phát ở các xã vùng sâu, vùng xa là do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh. Qua kiểm tra tại một số hộ chăn nuôi đã bị nhiễm dịch trên địa bàn các xã Khuôn Hà, Thổ Bình (Lâm Bình); Tân An, Tân Mỹ (Chiêm Hóa); Năng Khả, Đà Vị, Yên Hoa (Na Hang) bà con vẫn chăn nuôi theo hình thức tận dụng, chuồng trại nuôi nhốt không đảm bảo vệ sinh.

Để kiểm soát các ổ dịch không lan ra diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống, trước mắt khoanh vùng tất cả các ổ dịch; hỗ trợ, giám sát người dân phun thuốc khử trùng; nghiêm cấm vận chuyển lợn từ vùng dịch về địa phương; giám sát chặt chẽ đàn lợn, khi phát hiện lợn có dấu hiệu bỏ ăn, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, lập biên bản số đàn, tránh tình trạng người dân bán chạy, bán tháo lợn. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện đã cung ứng đủ thuốc khử trùng, phân công cán bộ xuống thôn xuất hiện ổ dịch và vùng bị uy hiếp hướng dẫn người dân tiêu độc khử trùng chuồng trại và khuyến cáo bà con tạm dừng tái đàn lợn trong thời điểm dịch bệnh chưa qua 30 ngày.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhấn mạnh, ngăn chặn dịch lan rộng ra vùng trọng điểm chăn nuôi lợn, người chăn nuôi không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, trong thời điểm tái đàn mạnh như hiện nay việc vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, lựa chọn con giống sạch bệnh, mạnh khỏe, tuyệt đối không mua con giống trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm nguồn thức ăn an toàn cho đàn lợn.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/kiem-soat-cac-o-dich-khong-de-lan-rong-132884.html