Kiếm soát, cào bằng giá dịch vụ bệnh viện tư và bệnh viện công: Kiến nghị Nhà nước không làm 'bà đỡ' cho nhóm công lập
Khám chữa bệnh là nhu cầu quan trọng trong cuộc sống của người dân. Mục tiêu của Đảng và Nhà nước là nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trên cơ sở khuyến khích xã hội hóa các cơ sở, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, một vấn đề đang tồn tại bây lâu nay là có nên kiểm soát, cào bằng giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế tư hay giữa các cơ sở y tế công – tư hay không?
Quê Hải Dương, bị bệnh áp xe phổi nhưng anh Nguyễn Mạnh Khương không lựa chọn bệnh viện công để điều trị, thay vào đó anh đến bệnh viện tư ở Hải Phòng với lý do chất lượng và dịch vụ nhanh chóng. Theo anh, ngoài những danh mục được trừ bảo hiểm, tiền chi trả ở bệnh viện tư cũng không nhiều.
Anh NGUYỄN MẠNH KHƯƠNG - Tỉnh Hải Dương: “Hiện tại giá dịch vụ ở bệnh viện này gần bằng bên bệnh viện công mà chất lượng phục vụ lại tốt hơn.”
Ngoài ra, nhiều người lựa chọn khám ở bệnh viện tư vì ngại cảnh chờ đợi xếp hàng.
Bà PHẠM THI KIM TUYẾN - Thành phố Hải Phòng: “Vào bệnh viện công bị đông, chờ đợi lâu nên tôi muốn ra đây khám. Ở đây cũng sạch sẽ, nhân viên nhiệt tình, khám nhanh chóng.”
Có một thực tế là những người có điều kiện sẵn sàng chi khoản tiền không nhỏ để ra nước ngoài điều trị, thay vì sử dụng y tế trong nước. Theo con số thống kê cách đây 3 năm, người Việt đã sẵn sàng bỏ đến 2 tỉ USD để ra nước ngoài chữa bệnh. Điều đó có nghĩa người dân sẵn sàng chi tiền để có được dịch vụ y tế tốt nhất. Do đó, theo quan điểm của nhiều bác sĩ bệnh viện tư nhân, việc quản lí giá theo hướng bình đẳng hóa dịch vụ công - tư cần được cân nhắc nhiều yếu tố.
Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ - Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam: “Bình đẳng hóa dịch vụ giữa (bệnh viện) công và tư, chúng tôi đề nghị 7 yếu tố giá phải bổ sung đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện (bình đẳng hóa dịch vụ-PV) giữa công - tư, chúng tôi đề nghị không có bàn tay Nhà nước làm bà đỡ cho hệ thống công lập khi chúng ta tự chủ về kinh tế. Nếu Nhà nước quản lý được vấn đề này, hãy bàn đến việc thống nhất giá".
Nhiều quan điểm cho rằng, không có sự hỗ trợ của Nhà nước trong khi các chi phí đầu tư của các cơ sở y tế tư nhân rất lớn và không đồng đều thì rất khó nói đến câu chuyện đồng giá.
PGS.TS NGUYỄN THANH HỐI - Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải phòng: “Chúng ta hiện có hơn 270 bệnh viện tư nhân với mức đầu tư khác nhau, có nơi mức đầu tư rất cao, có bệnh viện đầu tư ở mức độ trung bình, có bệnh viện đầu tư ở mức thấp. Nếu chúng ta quy định giá dịch vụ y tế tư nhân theo mặt bằng nhất định, vô hình chung sẽ co lại mức đầu tư của các cơ sở có khả năng đầu tư mức lớn, trong khi cơ sở nhỏ không đầu tư để đạt mức đó. Điều này không phù hợp với thực tiễn".
BS NGUYỄN VĂN HẢI - Phó Giám đốc Bệnh viện Hợp lực, Thanh Hóa: “Đối với bệnh viện tư nhân, việc đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị máy móc, con người là rất lớn vì tính cạnh tranh cao, họ không có nguồn từ Nhà nước, vì vậy khung giá phải phù hợp với mức đầu tư. Chúng ta nên có khung giá phù hợp với từng phân loại bệnh viện trong nhóm ngoài công lập”.
Thực hiện : Tiến Dũng Diệu Huyền Minh Công