Kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng

Hôm nay 23/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu kết luận cuộc họp - Ảnh: T.N

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng phát biểu kết luận cuộc họp - Ảnh: T.N

6 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu về lâm nghiệp cơ bản đạt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh - quốc phòng.

Theo đó, Chi cục Kiểm lâm đã tiếp nhận, xử lý hồ sơ của 22 dự án chuyển mục đích sử sụng rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích đề nghị chuyển đổi 207,9062 ha, đất trống quy hoạch lâm nghiệp 28,3019 ha, diện tích đất khác ngoài quy hoạch lâm nghiệp 36,7256 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 6 đơn vị tham gia thực hiện và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, với tổng diện tích 26.135,65 ha.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, diện tích cháy 26,1 ha và 3 điểm cháy thực bì, thảm cỏ dưới tán rừng không gây thiệt hại đến rừng.

Diện tích trồng rừng lũy kế từ đầu năm đến tháng 6/2024 là 4.157,35 ha (đạt 52,0% kế hoạch); trồng cây phân tán đạt 1.742.000 cây; sản xuất cây giống lâm nghiệp 10.678.000 cây. Hưởng ứng “Tết trồng cây”, tỉnh cũng đã tổ chức trồng và chăm sóc 154.414 cây xanh các loại.

Trong công tác bảo vệ rừng, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn, cài cắm thông tin cơ sở để kiểm tra, kiểm soát lâm sản; kết quả đã lập biên bản 33 vụ vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 42 vụ, phạt tiền 431,75 triệu đồng, tịch thu 56,996 m3 gỗ quy tròn các loại.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp phải một số hạn chế như: Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép và phá rừng để làm nương rẫy, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra; phát triển rừng chưa thực sự gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Thu nhập của người làm nghề rừng còn thấp, chưa ổn định và còn nhiều rủi ro, chưa thu hút được các thành phần kinh tế đầu tư phát triển lâm nghiệp, chưa tạo được chuỗi liên kết từ trồng, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản; kế hoạch giải quyết dứt điểm tình trạng xâm canh, xâm lấn rừng triển khai còn chậm gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng...

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị các viên Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tăng cường bám sát địa bàn nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế còn gặp phải. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của địa phương, phân công rõ trách nhiệm từng thành viên. Xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, hậu cần trong công tác bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm địa phương thực hiện tốt quy chế phối hợp, sẵn sàng xử lý các tình huống cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, có kế hoạch kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Thường xuyên giám sát, quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy tại khu vực gần rừng. Tăng cường kiểm tra giám sát về khai thác rừng để cập nhật sản lượng khai thác gỗ rừng trồng, lâm sản khác.

Kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật. Các địa phương phối hợp với các ngành chức năng rà soát lại cơ chế hỗ trợ chính sách trồng rừng gỗ lớn, rừng chất lượng cao.

Sớm thực hiện phương án chi tiết chuyển đổi đất rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất đã được phê duyệt, đảm bảo đúng quy định. Phối hợp với các đơn vị trong công tác bàn giao giải quyết các vướng mắc liên quan đến đất đai trong quá trình bàn giao đất rừng về địa phương quản lý, hạn chế tình trạng xâm canh, xâm cư trái phép.

Tiến Nhất

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kiem-soat-chat-che-cac-du-an-co-chuyen-doi-muc-dich-su-dung-rung-187831.htm