Đề nghị trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tại kỳ họp 8, dự kiến khai mạc ngày 21-10 tới...

Chiều 12-9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Bộ GTVT đang tiếp thu ý kiến các cơ quan, bộ, ngành

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị bổ sung 4 nội dung vào chương trình kỳ họp 8, gồm:

Thứ nhất, xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (theo trình tự, thủ tục rút gọn).

Thứ hai, xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (theo quy trình tại 1 kỳ họp).

Thứ ba, cho ý kiến về Dự án Luật Dữ liệu.

Thứ tư, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

 Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Bùi Văn Cường cũng nêu một nội dung khác Chính phủ và các cơ quan đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 8.

Trong đó, có Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực kế hoạch đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực tài chính; Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội thông tin đến nay Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng, pháp lệnh 2024 với 3 dự án luật trên.

Ông Cường đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chậm nhất tại phiên họp tháng 10, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp 8.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay với chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ GTVT đang tiếp thu ý kiến các cơ quan, bộ, ngành. “Bộ GTVT đang hoàn thiện báo cáo để trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - ông Sơn cho biết.

Ở vị trí điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương thẩm tra 4 nội dung đề nghị đưa vào chương trình kỳ họp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

“Đủ điều kiện bổ sung sẽ báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo, tài liệu.

Đưa Dự án Luật Chuyển đổi giới tính khỏi chương trình kỳ họp 8

Liên quan đến dự án Luật Chuyển đổi giới tính, theo ông Bùi Văn Cường, đại biểu Quốc hội đã có tờ trình, kèm theo hồ sơ gửi các cơ quan của Quốc hội. Chính phủ đã có ý kiến bằng văn bản về dự án Luật.

“Tuy nhiên, căn cứ tình hình chuẩn bị thực tế, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị rút dự án luật này khỏi chương trình phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”- ông Cường thông tin.

Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy đây là dự án luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 nên trước mắt vẫn thể hiện nội dung Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong dự kiến chương trình kỳ họp 8.

Trường hợp qua nghiên cứu thấy cần điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội hoặc đưa ra khỏi Chương trình với dự án luật này, ông Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Xã hội khẩn trương báo cáo, đề xuất thời điểm cụ thể tiến hành phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phát biểu sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định không đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình kỳ họp 8. Ông đề nghị Ủy ban Xã hội và Ủy ban Pháp luật phối hợp lấy ý kiến chính thức của Chính phủ bằng văn bản; ý kiến của Trưởng Ban soạn thảo dự án luật bằng văn bản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa luật này ra khỏi chương trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp 8 về việc đưa dự luật này ra khỏi chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất để chuẩn bị cho kỳ họp; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu với chất lượng tốt, bảo đảm tiến độ để gửi đến đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp 8 dự kiến khai mạc vào ngày 21-10, bế mạc vào sáng ngày 30-11 và sẽ tiến hành theo 2 đợt, có thời gian nghỉ giữa 2 đợt để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Chính phủ còn đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

VKSND Tối cao đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Quốc hội, đến nay, các cơ quan của Quốc hội mới nhận được Tờ trình về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với 4 nội dung. Các cơ quan của Quốc hội đang tiến hành xem xét, thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, cho ý kiến.

Hai nội dung liên quan đến việc quyết định các vấn đề quan trọng đã quá thời hạn gửi tài liệu theo quy định; có nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu và đề nghị tiếp tục hoàn thiện.

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị trước mắt chưa bổ sung vào Chương trình Kỳ họp; đề nghị Chính phủ, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, gửi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định.

Trường hợp bảo đảm đủ điều kiện hoặc được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì mới bố trí vào chương trình Kỳ họp.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-nghi-trinh-quoc-hoi-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post809901.html