Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải lớn

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và các khu đô thị, trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện nhiều nguồn thải lớn. Nước thải, khí thải nếu không được kiểm soát, xử lý bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới đời sống, dân sinh.

Kiểm tra công trình thu gom, xử lý khí thải tại Khu công nghiệp Phố Nối A

Thực tế tại Khu công nghiệp Thăng Long II, tổng lượng nước thải phát sinh tại khu công nghiệp này khoảng 17.900m3/ngày đêm, trong đó có khoảng 8.600m3/ngày đêm nước thải được xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp; còn lại khoảng 9.300m3/ngày đêm nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam II và Công ty TNHH Kyocera Việt Nam tự xử lý và đã được cấp phép xả thải ra môi trường. Ngay trong quá trình đầu tư xây dựng khu công nghiệp, các công trình thu gom, xử lý nước thải, chất thải, khí thải đã được ưu tiên xây dựng. Riêng đối với các doanh nghiệp có lưu lượng xả thải lớn đã chủ động xây dựng công trình riêng cho doanh nghiệp mình, bảo đảm quá trình sản xuất bền vững.

Theo đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có hơn 400 dự án hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng lượng nước thải gần 39 nghìn m3/ngày đêm. Trong đó thu gom, xử lý tại khu xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp khoảng trên 23 nghìn m3/ngày,đêm, lượng còn lại được chủ nguồn thải tự xử lý. Ngoài các công trình xử lý nước thải tập trung và riêng lẻ, tại các khu công nghiệp còn được đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn, khí thải, phù hợp với lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn những đơn vị, doanh nghiệp có lượng xả thải lớn nhưng chưa quan tâm đầu tư thích đáng cho các công trình bảo vệ môi trường. Điều này đã dẫn tới các hành vi, sự cố gây ảnh hưởng tới môi trường, dân sinh. Ngày 25.3.2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với chủ hộ kinh doanh là ông Đinh Xuân Kha ở thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm). Hộ kinh doanh này đã xả lượng nước thải lớn, có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên. Theo kết quả kiểm định môi trường của Trung tâm Kiểm định môi trường (Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường), có một số thông số vượt QCĐP 02:2019/HY tại cơ sở này như: Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải công nghiệp; thông số chất rắn lơ lửng; độ màu… Tổng mức phạt đối với hộ ông Kha là 248 triệu đồng. Ngày 25.10.2021, Công ty TNHH Gia Anh Hưng Yên tại xã Trung Hưng (Yên Mỹ) cũng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền 112 triệu đồng. Nguyên nhân do công ty này đã xả nước thải công nghiệp có 5 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Nhằm ngăn chặn các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tỉnh đã tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ nguồn thải lớn, ngăn chặn kịp thời các sự cố về môi trường.

Theo Quyết định số 409/QĐ-UBND ngày 31.1.2018 của UBND tỉnh ban hành thông số quan trắc nước thải tự động, liên tục của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 100m3/ngày,đêm trở lên phải đầu tư, lắp đặt, vận hành thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục. Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, trong đó có 27 cơ sở truyền dữ liệu trực tuyến về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Năm 2021, sở đã phối hợp với ngành, đơn vị chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với gần 70 cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý 55 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt trên 4,7 tỷ đồng. Cũng trong năm 2021, ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện 18 cơ sở xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn ra môi trường, tiến hành xử lý theo quy định và tiếp tục lấy mẫu, xác minh kết quả khắc phục trong năm 2022.

Đồng chí Ngô Xuân Hiếu, Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo kế hoạch lấy mẫu giám sát chất lượng môi trường đối với các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn năm 2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường, phòng Quản lý Môi trường phối hợp cùng một số phòng, đơn vị chuyên môn đã và đang tiến hành lấy mẫu giám sát đối với 33 cơ sở trong toàn tỉnh, trong đó tập trung vào các thông số nước thải như: pH, TSS, COD, Amoni, Sunfua, Coliform… và thông số khí thải như: Bụi, CO2, SO2, Pb, HF… Tần suất lấy mẫu là 2 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần, tùy theo mức độ xả thải và tính chất nhạy cảm với môi trường của cơ sở đó. Đây là căn cứ quan trọng để kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm về xả thải, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn.

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202208/kiem-soat-chat-che-nguon-thai-lon-cdd35c9/