Kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải, giải quyết ô nhiễm không khí
Theo Tổng cục Môi trường, quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng cao, khai thác tài nguyên, phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng lớn dẫn đến áp lực lên môi trường ngày càng cao, tác động xấu đến chất lượng môi trường.
Ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tài đánh giá, năm 2019, công tác quản lý, bảo vệ môi trường có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường được kiểm soát chặt chẽ, xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế, xu hướng tăng mạnh ô nhiễm môi trường như trước đây được giảm dần; vấn đề môi trường đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân. Tuy nhiên, vẫn cần thực hiện giảm thiểu ô nhiễm không khí và tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp. Lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng, trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn hầu hết chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.
Ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân, nhất là bụi mịn PM2.5.
Chất lượng và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tiếp tục suy giảm; việc thành lập mới và mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên còn chậm; các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm; vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.
Các dự án thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xu hướng đầu tư vào Việt Nam. Năng lực phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường của các doanh nghiệp ở một số địa phương còn nhiều bất cập.
Kiểm soát chặt chẽ xả thải và tăng cường quản lý chất thải rắn
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Năm 2020, Tổng cục cần chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, tăng cường quản lý chất thải rắn, giải quyết ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường Lê Hoài Nam cho rằng, trên cơ sở các nguyên nhân gây ô nhiễm, Tổng cục sẽ tập trung rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và kế hoạch hành động quốc gia quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025; tăng cường quan trắc, giám sát chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí trong các đô thị lớn như yêu cầu phun nước, che chắn ở các công trình thi công lớn, kết nối số liệu quan trắc trung ương và địa phương để cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và có các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải Nguyễn Thượng Hiền, năm 2020, Tổng cục Môi trường tập trung ban hành và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; thúc đẩy việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; có lộ trình phù hợp giảm thiểu, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên cơ sở người gây ô nhiễm phải trả tiền; phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng, xử lý chất chất thải thu hồi năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Tăng cường năng lực quản lý chất thải sinh hoạt tại Việt Nam" và "Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam".
Năm 2020, Tổng cục Môi trường chú trọng kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; yêu cầu các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật; đôn đốc hoàn thành tiến độ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong năm 2020.
Đồng thời, chú trọng các giải pháp như thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt tại các ao, hồ, sông, kênh, rạch trong các đô thị, khu dân cư, làng nghề thông qua việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư, ứng dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp để cải tạo, xử lý ô nhiễm các hồ, sông, kênh, rạch; kết hợp với việc phát huy các phong trào vệ sinh môi trường, mô hình tự quản về môi trường trong các đô thị, khu dân cư; tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; đẩy nhanh việc xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, kiểm soát các vấn đề môi trường phát sinh.