Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm về giao thông trật tự

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch giao nhiệm vụ cho Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành phố tiến hành tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, tập trung chủ yếu xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, trong 7 ngày nghỉ Tết, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông, bị thương 3 người, giảm 1 vụ, giảm 3 người bị thương so với năm ngoái. Trong dịp Tết không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, không có tình trạng chống người thi hành công vụ. Người tham gia giao thông chấp hành nghiêm sự kiểm tra của lực lượng cảnh sát.

Đơn vị đã kiểm tra 1.588 trường hợp, phát hiện vi phạm 303 trường hợp, phạt tiền 163 trường hợp với hơn 141 triệu đồng, tạm giữ 9 xe ô tô, 126 xe mô tô. Riêng về vi phạm nồng độ cồn, đã kiểm tra 1.255 trường hợp, phát hiện xử lý 89 trường hợp vi phạm, phạt tiền 16 trường hợp với 66 triệu đồng, tước giấy phép 16 trường hợp;, tạm giữ 9 ô tô, 80 mô tô; tuyên truyền trực tiếp cho 1.588 người tham gia giao thông trên các tuyến đường.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang).

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang).

Trung tá Nguyễn Mạnh Trí, Phó đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, trong dịp Tết, phòng phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức các chốt kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực thành phố Tuyên Quang, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 37…Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 với chế tài xử phạt cao khiến người tham gia giao thông không còn “nhờn” pháp luật như trước. So với dịp Tết năm ngoái, người tham gia giao thông chấp hành tương đối tốt quy định, giảm 112 vụ vi phạm so với năm ngoái.

Sử dụng rượu, bia trong những ngày Tết là điều khó tránh khỏi, nhưng vấn đề quan trọng là mỗi người dân đều ý thức được những nguy hiểm khôn lường có thể xảy ra nên đã không lái xe khi trong cơ thể đã có nồng độ cồn. Anh Dương Văn Điều, thôn Khuôn Then, xã Hùng Đức (Hàm Yên) cho biết, trước đây vào dịp Tết, anh và bạn bè thường gặp gỡ nhau uống rượu, bia xong vẫn lái xe đi chơi. Khi có hơi men trong người rất khó làm chủ được tốc độ, hay phóng nhanh, vượt ẩu gây nguy hiểm cho chính mình và người tham gia giao thông. Anh từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm do rượu bia, gây tổn thất cho bao gia đình và xã hội.

Từ khi có Nghị định 100 với hình thức xử phạt người lái xe ô tô sử dụng nồng độ cồn lên đến 40 triệu đồng, tước bằng lái xe đến 2 năm thì tất cả các tài xế đều chấp hành nghiêm túc. Mức xử phạt này đủ sức răn đe đối với các “ma men”, góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra. Anh Nguyễn Văn Hưng, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho rằng, quy định nghiêm khắc của pháp luật thực sự giúp mỗi người khi tham gia giao thông có ý thức tốt hơn. Trước đây, người lái xe máy có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc dưới 0.25 mg/1 lít khí thở thì không bị phạt, nhưng nay bị phạt đến 3 triệu đồng, tước bằng lái xe 1 năm, vì thế có tính răn đe mạnh để chấp hành nghiêm túc. Anh và người thân trong gia đình đều chấp hành tốt quy định của pháp luật, khi có việc phải đi xe máy dứt khoát không uống rượu, bia.

Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh góp phần thực hiện hiệu quả Nghị định 100 của Chính phủ, mang đến cho mỗi người, mỗi gia đình một cái Tết an vui, đầm ấm.

Bài, ảnh: Phương Thùy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/kiem-soat-chat-che-xu-ly-nghiem-vi-pham-ve-giao-thong-trat-tu-127990.html