Kiểm soát chặt giá vé máy bay

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam bổ sung lực lượng vận tải và tăng tải cung ứng trên các đường bay quốc tế và nội địa.

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi các hãng hàng không và các hãng lữ hành về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay.

Các hãng cần tích cực làm việc với các đối tác cho thuê tàu bay trên thế giới để tìm kiếm tàu bay, bổ sung lực lượng vận tải, thay thế các tàu bay dừng khai thác vì lý do triệu hồi động cơ. Đồng thời, nghiên cứu tăng tải cung ứng trên các đường bay nội địa, các đường bay phục vụ du lịch, đặc biệt là các chuyến bay đi/đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.

Đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định.

Các hãng cũng cần rà soát, điều chỉnh cách thức hiển thị thông tin, làm rõ những khoản mục cấu thành mà khách hàng phải trả trong giá vé thể hiện, không gây nhầm lẫn cho hành khách trong khi mua vé.

Ngoài ra, các hãng hàng không Việt Nam cần xây dựng các dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá vé trên đường bay nội địa phù hợp với thực tiễn thị trường vận tải hàng không, cũng như nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn.

Thông tin về các chương trình khuyến mại, chính sách giảm giá vé phải được truyền thông rộng rãi thông qua trang thông tin điện tử, báo chí và truyền thông, tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân về chính sách về giá vé của hãng.

Các hãng cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống bán vé điện tử, hệ thống bán vé qua các kênh đại lý, phát hiện xử lý những hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé vi phạm quy định pháp luật và chính sách của hãng.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam. Qua đó đề xuất khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với hành khách.

Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) của FCM Consulting, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông từ cuối năm 2023 đã tăng 17 – 25% so với năm 2019. Trong đó, giá vé tại khu vực châu Á tăng trung bình 21%, Australia/New Zealand tăng 22%, châu Âu tăng 18%, châu Mỹ tăng 17-25%.

Một trong những nguyên nhân khiến giá vé máy bay toàn cầu tăng là do tình trạng khan hiếm máy bay. Gần đây, hàng loạt vấn đề kĩ thuật xảy ra với hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung máy bay và kế hoạch nhận tàu của các hãng bay trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, đội tàu của các hãng bay nội địa đã giảm 50 tàu so với năm 2023, chỉ còn khoảng trên dưới 160 tàu đang khai thác. Phần lớn nguyên nhân là do tàu bị triệu hồi vì lỗi động cơ, phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027 mới có thể trở lại hoạt động.

Thiếu tàu bay khai thác đồng nghĩa nguồn cung vé giảm, trong khi nhu cầu di chuyển của hành khách vẫn liên tục tăng khiến giá vé máy bay ở Việt Nam có xu hướng tăng.

Tuy vậy, các hãng hàng không nội địa vẫn nỗ lực hết sức tìm cách tăng tải. Vietnam Airlines tăng thời gian khai thác đội tàu bay từ 10 giờ/ngày lên 11 giờ/ngày và tiếp tục tăng lên 12 giờ/ngày trong giai đoạn cao điểm; Vietjet tăng từ 12,8 giờ/ngày lên trên 13,2 giờ/ngày và dự kiến tăng lên 14 giờ/ngày, Viettravel và Bamboo Airways cũng đã thay đổi thời gian khai thác từ 11-12/giờ/ngày lên 12,5 giờ/ngày. Ngoài ra, Bamboo Airways còn dự kiến thuê thêm 1 tàu bay trong giai đoạn cao điểm hè để bổ sung đội bay.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/kiem-soat-chat-gia-ve-may-bay-438670.html