Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán: Công khai, minh bạch và chế tài mạnh mẽ

Các yếu tố đảm bảo cuộc kiểm toán chất lượng cao bao gồm: Quy trình kiểm toán đúng, nhân lực phù hợp, được quản trị, kiểm soát đúng quy định, chất lượng kiểm toán được đo lường... Tất cả các yếu tố này phải phối hợp với nhau để tạo ra cuộc kiểm toán đáp ứng được kỳ vọng của các bên liên quan - theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC).

Những thách thức trong kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán

Theo Ủy ban Chuẩn mực kiểm toán và Dịch vụ đảm bảo quốc tế (IAASB), phạm vi trách nhiệm kiểm soát chất lượng không chỉ liên quan đến các hoạt động kiểm toán mà còn liên quan đến các hoạt động đánh giá và đảm bảo khác cùng các dịch vụ liên quan. Các yếu tố kiểm soát chất lượng liên quan đến hoạt động kiểm toán bao gồm: Trách nhiệm lãnh đạo về chất lượng kiểm toán; yêu cầu về đạo đức (bao gồm tính độc lập); chấp nhận và tiếp tục mối quan hệ với khách hàng và các hoạt động kiểm toán cụ thể; phân công các nhóm tham gia; thực hiện cam kết (bao gồm: Tham vấn, giải quyết các khác biệt về quan điểm và đánh giá kiểm soát chất lượng cam kết); giám sát.

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) số 220 về mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên (KTV) và doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) cho rằng, chất lượng hoạt động kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) là mức độ thỏa mãn của các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của KTV. Đồng thời, thỏa mãn mong muốn của đơn vị được kiểm toán về những ý kiến đóng góp của KTV nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, trong thời gian định trước với giá phí hợp lý.

Theo quan điểm của VSA số 220, chất lượng kiểm toán gắn liền với chất lượng sản phẩm đầu ra của kiểm toán BCTC (báo cáo kiểm toán và thư quản lý) theo yêu cầu của bên liên quan, chủ yếu là cổ đông, nhà đầu tư và đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán trên thực tế còn nhiều thách thức và khó khăn. Những thách thức này có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy và hiệu quả của các báo cáo kiểm toán, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành kiểm toán nói chung.

Theo đó, tại Việt Nam, việc kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán có tham gia của Bộ Tài chính và Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). Trước năm 2010, việc đánh giá kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán chỉ mang tính chất chung chung và chưa có thước đo cụ thể. Từ năm 2010, hoạt động kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán được tăng cường với sự ra đời của Luật Kiểm toán độc lập, tiếp đó VACPA xây dựng Bảng chấm điểm hồ sơ kiểm toán (2010) và Bảng chấm điểm hệ thống DNKT (2012). Trong các năm 2014 và 2017, sau khi Bộ Tài chính ban hành và cập nhật chuẩn mực kiểm toán, VACPA tiếp tục cập nhật các bảng chấm điểm để phù hợp với hệ thống chuẩn mực kiểm toán và các văn bản khác. Hiện nay, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn sử dụng 2 bảng chấm điểm này để đo lường, đánh giá chất lượng kiểm toán của các DNKT và các hồ sơ kiểm toán cụ thể (cách sử dụng có thay đổi).

Mặc dù Việt Nam đã áp dụng nhiều chuẩn mực kiểm toán quốc tế, ban hành chuẩn mực kiểm toán độc lập, Kiểm toán nhà nước, nhưng vẫn còn một số thiếu sót trong việc đồng bộ các quy định và chuẩn mực liên quan về kiểm soát chất lượng kiểm toán. Luật Kiểm toán độc lập ra đời vào năm 2011, đến nay cần có những điều chỉnh để nâng cao trách nhiệm của KTV và công ty kiểm toán trong việc đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán, trên cơ sở đó bảo vệ lợi ích công chúng và các bên liên quan.

Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Kiểm toán độc lập của Bộ Tài chính, khuôn khổ pháp lý hiện nay liên quan đến hoạt động của Hội nghề nghiệp còn một số nội dung chưa có quy định rõ, như: Chưa có Luật về Hội, chưa có quy định bắt buộc người hành nghề tham gia hội… Năng lực hoạt động, tổ chức của Hội còn hạn chế, nên việc tiếp nhận các nhiệm vụ, hoạt động cần phải được thực hiện theo lộ trình đảm bảo tính ổn định, khả thi. Vai trò quản lý hội viên của hội nghề nghiệp chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, các cuộc kiểm tra phải huy động nhân sự từ các DNKT lớn trong nước để thực hiện kiểm tra hồ sơ kiểm toán.

Điều 52, Luật Kiểm toán độc lập quy định việc huy động nhân sự phải đảm bảo yêu cầu về tính độc lập khách quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cũng đã dẫn đến hiện tượng xung đột lợi ích do sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các DNKT khác nhau, hạn chế về tính chủ động trong công tác tổ chức kiểm tra chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, số lượng DNKT được kiểm tra hằng năm còn ít do bộ máy nhân sự thực hiện kiểm tra còn ít và phụ thuộc vào KTV huy động từ DNKT. Việc thiếu hụt nhân lực còn ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng hoạt động kiểm tra, đôi khi dẫn đến việc bị động trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra từ đó phản ánh chưa hoàn toàn đúng chất lượng của toàn bộ hoạt động của DNKT.

Cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn với các sai phạm

Xuất phát từ thực tế hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán BCTC tại Việt Nam, tác giả đưa ra một số khuyến nghị chính sách sau:

Thứ nhất, cần ban hành Luật, các quy định rõ ràng cụ thể hơn về hoạt động của VACPA; đồng thời, Bộ Tài chính cũng xem xét hỗ trợ các nguồn lực cả về tài chính và nhân sự để VACPA tăng cường vai trò độc lập trong kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán. Từ đó, tạo điều kiện Hiệp hội tăng cường các chương trình đào tạo và chứng nhận chuyên môn, giúp KTV tiếp cận các khóa học trong lĩnh vực kiểm toán mới như kiểm toán về chuyển giá, công nghệ thông tin, bình đẳng giới, môi trường…; đào tạo về đạo đức nghề nghiệp bởi các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế.

Thứ hai,cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn với các KTV hành nghề vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng như các nguyên tắc trong kiểm toán BCTC; xử lý nghiêm minh với các DNKT vi phạm quy định, luật hiện hành về kiểm toán. Với những sai phạm gian lận, thông đồng với khách hàng che giấu, làm sai lệch thông tin trọng yếu trên BCTC gây ảnh hưởng tới lợi ích công chúng, cần tước chứng chỉ KTV hành nghề, hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh của DNKT vĩnh viễn.

Thứ ba,Bộ Tài chính cần nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số chất lượng kiểm toán cho phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện trong nước trên cơ sở tham khảo hướng dẫn của IFAC và các nước phát triển. Kết quả đánh giá các DNKT hằng năm dựa trên bộ chỉ số này được công khai để khách hàng lựa chọn DNKT uy tín, chất lượng. Tiếp đó, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghề nghiệp cần tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa nội dung bộ chỉ số chất lượng kiểm toán để khách hàng chủ động giám sát cuộc kiểm toán.

Để cải thiện chất lượng kiểm toán tại Việt Nam, cần có sự phối hợp và nỗ lực từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp và các DNKT. Các giải pháp như: Nâng cao đào tạo, cải thiện quy trình giám sát, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách để gia tăng hoạt động của VACPA sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm toán./.

TS. TRẦN PHƯƠNG THÙY - Học viện Ngân hàng

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-soat-chat-luong-hoat-dong-kiem-toan-cong-khai-minh-bach-va-che-tai-manh-me-34310.html