Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.

“Dông, lốc, sét, gió giật mạnh xuất hiện với cường độ mạnh; gió mùa Tây Nam mạnh gây thời tiết nguy hiểm trên biển và mưa lớn diện rộng trên đất liền trong tháng 10 và nửa tháng 11, là những hiện tượng thời tiết nguy hiểm cần được chủ động đề phòng”, ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh, nhận định.

Các hiện tượng thời tiết trên nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là bà con trực tiếp ra khơi đánh bắt thủy sản trên biển. Ngoài ra, mưa lớn kết hợp với triều cường gây ngập cục bộ đường giao thông, vùng trũng, thấp ven sông, ven biển... cũng là các loại hình thiên tai cần chủ động đề phòng.

Thời gian qua, tỉnh không chỉ vận dụng nguồn ngân sách mà còn xã hội hóa đầu tư các công trình chống sạt lở khu vực ven biển. (Trong ảnh: Kè chống sạt lở khu vực Khai Long, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Thời gian qua, tỉnh không chỉ vận dụng nguồn ngân sách mà còn xã hội hóa đầu tư các công trình chống sạt lở khu vực ven biển. (Trong ảnh: Kè chống sạt lở khu vực Khai Long, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Ðể giúp ngư dân ngày một chủ động, an toàn hơn trước các loại hình thời tiết, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện. Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận và góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai là đến thời điểm này, 100% tàu cá đang hoạt động được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, nhận định: "Hiện nay, 100% tàu cá xuất, nhập bến được kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát biên phòng. Ngoài ra, việc phối hợp với các tỉnh và lực lượng chức năng liên quan đến công tác quản lý tàu cá được triển khai thực hiện khá tốt, không chỉ chống khai thác IUU mà còn góp phần quan trọng trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai".

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, kiểm soát tàu cá đang được triển khai ở tất cả các cửa biển trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá và ứng dụng Bảng dữ liệu Excel Online trên nền tảng Google Sheets là hai phần mềm góp phần nâng cao hiệu quả trong chống khai thác IUU, giúp quản lý tàu cá thuận lợi hơn trong mùa mưa bão.

Nhờ áp dụng công nghệ thông tin nên việc kiểm soát phương tiện tàu cá ra vào cửa biển hiện nay thuận tiện hơn.

Nhờ áp dụng công nghệ thông tin nên việc kiểm soát phương tiện tàu cá ra vào cửa biển hiện nay thuận tiện hơn.

Ông Vũ cho biết thêm, phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá liên thông với tất cả các cảng cá, văn phòng IUU và trạm kiểm soát biên phòng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chức năng kiểm soát tàu cá, thống kê khi tàu cá ra, vào cửa biển.

Với những giải pháp đã được triển khai, việc quản lý, đảm bảo an toàn tàu cá trên biển trong mùa mưa bão đã và đang đi vào khuôn khổ. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là 423 tàu cá thuộc nhóm phương tiện nhỏ, khai thác ven bờ mà nhiều người quen gọi là tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác). Việc quản lý, kiểm soát các phương tiện này vô cùng khó khăn, do trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cửa biển, cửa sông thông ra biển, trong khi lực lượng chức năng còn rất mỏng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh, với tình hình bão, ATNÐ thực tế trên địa bàn tỉnh, nếu đối chiếu Ðiều 41 trong Quyết định số 18/2021/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì mức độ rủi ro do bão, ATNÐ có khả năng cao nhất ở cấp 3. Riêng gió mạnh trên biển thường xuyên xuất hiện vào các tháng gió mùa Ðông Bắc (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau). Những năm qua, trên vùng biển tỉnh thường xuyên có gió mạnh, sóng lớn, với sức gió từ cấp 5-7, giật cấp 8-9, làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, với mức độ rủi ro có khả năng cao nhất ở cấp 2.

Hiện nay, với hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động trên biển được theo dõi, giám sát 24/7. Ðồng thời, để quản lý tàu cá, ngoài tuần tra, kiểm soát trên biển, tỉnh còn thành lập thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng. Tất cả nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình và thiếu thủ tục, giấy tờ, không đảm bảo thiết bị an toàn... ra biển hoạt động.

Bão, ATNÐ kéo theo mưa lớn, gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, công trình, sản xuất và ảnh hưởng đời sống người dân.

Thời gian qua, tỉnh không chỉ vận dụng nguồn ngân sách mà còn xã hội hóa đầu tư các công trình chống sạt lở khu vực ven biển. (Trong ảnh: Kè chống sạt lở khu vực Khai Long, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Thời gian qua, tỉnh không chỉ vận dụng nguồn ngân sách mà còn xã hội hóa đầu tư các công trình chống sạt lở khu vực ven biển. (Trong ảnh: Kè chống sạt lở khu vực Khai Long, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: "Ðể từng bước nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai, tỉnh đã và đang tiếp tục kết hợp các nguồn lực đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, đê điều, hệ thống thủy lợi ngăn mặn giữ ngọt, khu dân cư kết hợp phòng chống thiên tai... để góp phần ổn định sản xuất và đời sống người dân vùng thiên tai".

Tỉnh cũng đã xác định các điểm nóng về thiên tai và đã triển khai các giải pháp chuẩn bị trước khi có thiên tai. Ðặc biệt, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác đến các cấp, các ngành và Nhân dân, với thông tin dự báo cụ thể, rõ ràng, để người dân hiểu và không chủ quan.

 Đoạn Đá Bạc vẫn là một trong những nơi sạt lở nguy hiểm.

Đoạn Đá Bạc vẫn là một trong những nơi sạt lở nguy hiểm.

Ông Trịnh Xuân Hưng, Giám đốc Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh, cho biết: "Theo dự báo, từ tháng 10-12 trên biển Ðông có khả năng xuất hiện khoảng 4-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền. Mùa bão có khả năng kết thúc muộn, đến những tháng cuối năm vẫn có khả năng xuất hiện bão, ATNÐ trên biển Ðông và có khả năng di chuyển vào vùng biển và đất liền khu vực Nam Bộ. Ðáng chú ý, xác suất 80-90% hiện tượng La Nina xuất hiện từ tháng 10 và kéo dài sang các tháng đầu năm 2025, có dấu hiệu tương tự mùa mưa bão năm 2020. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm".

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/kiem-soat-chat-thich-ung-nhanh-a34649.html