Kiểm soát chặt việc xây dựng công trình, nhà ở ven sông

Ngày 14/8, ông Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cùng với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đã làm việc với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long về Công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy kiểm tra công trình Kè chống sạt lở bờ sông Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long).

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy kiểm tra công trình Kè chống sạt lở bờ sông Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long).

Báo cáo với Đoàn công tác, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2022 thiên tai đã gây thiệt hại cho địa phương hơn 87 tỷ đồng (chủ yếu là giông lốc, mưa lớn, sạt lở bờ sông). Trong 7 tháng đầu năm 2023, thiên tai đã làm chết 2 người, sập 5 căn nhà, tốc mái 71 căn nhà; sạt lở 7 đoạn bờ bao dài 105m; tràn 10 đoạn bờ bao dài 1.000m và tràn 10 mặt đập trên địa bàn huyện Vũng Liêm... Ước tổng thiệt hại là hơn 67,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 98 điểm sạt lở (tăng 61 điểm so với cùng kỳ năm 2022) làm ảnh hưởng đến 106 hộ dân. Sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, diện tích đất bị mất ngày càng tăng. Để xử lý khắc phục sạt lở phải tốn rất nhiều kinh phí nhưng do nguồn lực của tỉnh còn khó khăn dẫn đến việc đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sạt lở trong thời gian qua còn rất hạn chế, chủ yếu thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý trước mắt, mang tính tạm thời nhằm hạn chế thiệt hại.

Địa phương còn thiếu nguồn lực để tăng cường năng lực cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ về phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Sạt lở bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong khi dự báo về sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa có, gây khó khăn trong ứng phó.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai của tỉnh Vĩnh Long và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành của tỉnh trong công tác dự báo, phòng chống, ứng phó thiên tai của địa phương trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy đề nghị, Vĩnh Long tiếp tục quán triệt triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Qua đó, nâng cao nhận thực về diễn biến phức tạp, hậu quả nặng nề của sụt lún, sạt lở đối với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, người dân và doanh nghiệp. Đề nghị, địa phương rà soát lại hệ thống sông để thống kê các hộ dân ở những nơi nguy cơ sạt lở cao đề định hình quy hoạch các khu tái định cư cho người dân; tránh tình trạng khi sạt lở rồi mới tính toán tìm khu tái định cư. Đề nghị địa phương tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà ở ven sông, đặc biệt những vùng có nguy cơ sạt lở. Quản lý chặt vấn đề khai thác cát trên sông. Phải thường xuyên tập huấn, diễn tập phòng chống sạt lở và thiên tai...

Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đã kiểm tra công trình Kè chống sạt lở bờ sông Mang Thít (khu vực 10B, thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

THANH TIẾN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kiem-soat-chat-viec-xay-dung-cong-trinh-nha-o-ven-song-5725930.html