Kiểm soát chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ chọn được thí sinh có thành tích vượt trội

Lãnh đạo trường phổ thông cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu của hình thức xét tuyển sớm sẽ tránh được những hạn chế trong tuyển sinh, đảm bảo công bằng.

Bên cạnh việc ủng hộ siết chỉ tiêu xét tuyển sớm còn 20% thì nhiều chuyên gia và người làm công tác tuyển sinh đã đề nghị bỏ hẳn hình thức xét tuyển sớm.

Kiểm soát chỉ tiêu xét tuyển sớm để chỉ tuyển thí sinh có thành tích xuất sắc và năng lực vượt trội

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vũ Hồng Sơn, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) nêu ý kiến: "Theo tôi, hình thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là quan trọng nhất, vì phản ánh được năng lực học tập thực sự của học sinh.

Do vậy, tôi ủng hộ đề xuất giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Cần ưu tiên cho hình thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu xét tuyển sớm không chỉ giúp các trường đại học tuyển chọn được những học sinh ưu tú, có thành tích nổi bật, mà còn đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình tuyển sinh".

 Hình thức xét tuyển sớm chỉ nên sử dụng để tuyển chọn những học sinh có thành tích vượt trội. (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Hình thức xét tuyển sớm chỉ nên sử dụng để tuyển chọn những học sinh có thành tích vượt trội. (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Trong khi đó, thầy Phạm Văn Châu, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Trường (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) bày tỏ: “Tôi cho rằng vẫn nên duy trì một phần chỉ tiêu xét tuyển sớm để tạo điều kiện cho các em học sinh xuất sắc có cơ hội thể hiện năng lực và chủ động lựa chọn hình thức xét tuyển phù hợp với mục tiêu của mình. Yêu cầu giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non là hợp lý vì có thể đảm bảo sự cân bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đại học quản lý chặt chẽ việc xét tuyển sớm, chỉ xét tuyển những học sinh thực sự xuất sắc, có năng lực đặc biệt như khả năng ngoại ngữ vượt trội, sở hữu các chứng chỉ chất lượng cao hoặc có thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thì việc duy trì xét tuyển sớm với chỉ tiêu giới hạn vẫn là một giải pháp tích cực.

Việc này không chỉ tạo cơ hội cho những học sinh có năng lực vượt trội, mà còn khuyến khích các em nỗ lực học tập và phát triển bản thân ngay từ khi còn ở bậc phổ thông. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đầu vào của các trường đại học”.

 Thầy Phạm Văn Châu, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Trường. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Phạm Văn Châu, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Trường. (Ảnh: website nhà trường)

Tiến tới bỏ xét tuyển sớm được nhiều trường ủng hộ

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Trường, đối với học sinh muốn tham gia xét tuyển sớm, vai trò của nhà trường chủ yếu là tư vấn và định hướng ban đầu, giúp các em nắm rõ quy trình và yêu cầu. Việc xây dựng kế hoạch học tập và ôn luyện phần lớn phụ thuộc vào sự chủ động của học sinh.

“Nhà trường hiện tập trung ôn tập theo định hướng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nên đối với những em dự định thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy các em thường tự học, tham gia các chương trình học trực tuyến hoặc nhờ thầy cô hỗ trợ thêm khi cần.

Những năm học trước, tỷ lệ học sinh tại trường tham gia xét tuyển sớm chiếm khoảng 40%, số học sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy không nhiều, phần lớn các em sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Vì vậy, nếu tiến tới bỏ xét tuyển sớm sẽ không ảnh hưởng nhiều hay làm gián đoạn kế hoạch giảng dạy và ôn tập của nhà trường, chúng tôi vẫn đảm bảo được tính ổn định trong công tác dạy và học”, thầy Châu cho biết thêm.

Ở những năm tuyển sinh trước, nhiều trường đại học dành chỉ tiêu lớn cho xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ và các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, thu hút nhiều học sinh lớp 12 tham gia. Điều đó dẫn đến trường hợp học sinh lơ là việc học hành chính khóa, dành nhiều thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi riêng, xét tuyển sớm, chứng chỉ IELTS khiến các trường trung học phổ thông khó định hướng ôn tập cho học sinh.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc tiến tới bỏ xét tuyển sớm trong các năm tiếp theo có thể giúp nhà trường tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và chuẩn bị tốt hơn cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đánh giá về vấn đề này, thầy Phạm Văn Châu bày tỏ: “Nếu xét tuyển sớm tiếp tục diễn ra tràn lan như những năm trước, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nhà trường. Nhiều học sinh sau khi đỗ xét tuyển sớm thường xao nhãng việc học ở học kỳ cuối lớp 12, làm gián đoạn kế hoạch giảng dạy và ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục của nhà trường.

Tuy nhiên, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra kỹ lưỡng các dữ liệu đó và đã đưa ra các đề xuất hợp lý như điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu hay lùi thời gian công bố kết quả xét tuyển sớm cho mùa tuyển sinh năm 2025. Những thay đổi này cũng giúp các trường tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy và hỗ trợ học sinh ôn tập hiệu quả.

Để vừa đảm bảo tính công bằng giữa các đợt xét tuyển, vừa tạo điều kiện cho các trường trung học phổ thông, tôi nghĩ Bộ cần điều chỉnh thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm gần với thời điểm công bố kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Khi đó, các em học sinh dù tham gia xét tuyển bằng các phương thức khác như xét học bạ, thi đánh giá năng lực, hay thi đánh giá tư duy sẽ không thể chủ quan. Các em sẽ phải tiếp tục học đầy đủ chương trình, ôn luyện chăm chỉ và tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông một cách nghiêm túc”.

Thông tin thêm về tỷ lệ học sinh tham gia xét tuyển sớm tại trường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Du cho hay: "Hàng năm, tỷ lệ học sinh tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Du tham gia xét tuyển sớm không cao, chỉ chiếm khoảng 20%, nếu tiến tới bỏ xét tuyển sớm, kế hoạch giảng dạy và chương trình học của nhà trường vẫn sẽ diễn ra bình thường, không có nhiều sự thay đổi.

Đối với học sinh lớp 12, nhà trường luôn khuyến khích các em lựa chọn phương thức xét tuyển và trường đại học phù hợp với năng lực thực sự của bản thân. Thay vì chạy theo ý kiến của bạn bè hay đáp ứng kỳ vọng của gia đình, các em cần hiểu rõ điều gì là tốt nhất và phù hợp nhất với mình. Đây chính là bước đầu tiên để định hướng tương lai một cách đúng đắn và hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở và động viên các em nỗ lực phấn đấu, tập trung hết sức cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để hạn chế tình trạng học sinh bỏ bê việc ôn thi sau khi đã đỗ xét tuyển sớm vào các trường đại học".

 Thầy Vũ Hồng Sơn, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Nguyễn Du (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Vũ Hồng Sơn, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Nguyễn Du (Ảnh: website nhà trường)

Về phía trường đại học, Tiến sĩ Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Học viện đang chuẩn bị các nội dung về công tác tuyển sinh năm 2025 để trình Hội đồng Học viện Phụ nữ Việt Nam thông qua vào tháng 1/2025, do đó học viện cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy chế tuyển sinh chính thức để học viện có cơ sở xây dựng phương án tuyển sinh ngay từ đầu năm.

Tôi cho rằng quy định giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm mới chỉ là dự thảo và đang trong quá trình lấy ý kiến, có chính thức hay không thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc hợp tình hợp lý để khi áp dụng vào thực tế không gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đào tạo.

Nếu quy định trên được ban hành chính thức và bắt đầu thực hiện từ năm 2025, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ nghiên cứu để xây dựng các phương thức tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh của từng phương thức theo quy định, đảm bảo công tác tuyển sinh được thự hiện hiệu quả và chất lượng".

 Tiến sĩ Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: Hồng Linh)

Tiến sĩ Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: Hồng Linh)

Thầy Long cũng cho biết thêm, nhà trường sẽ nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí phụ nhằm lựa chọn được các thí sinh trúng tuyển có chất lượng và đảm bảo giảm tối đa tỉ lệ thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học (giảm tỉ lệ ảo). Trong đó, nhà trường dự kiến tiếp tục duy trì các phương thức như xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ), xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ sung một số phương thức xét tuyển mới như sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

"Với những dự kiến như vậy và những quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác tuyển sinh đại học năm 2025, nhà trường sẽ sớm quyết định và thông báo rộng rãi các phương thức tuyển sinh phù hợp để đảm bảo công tác truyền thông và tuyển sinh đạt hiệu quả”, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam thông tin.

Phương Thảo

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kiem-soat-chi-tieu-xet-tuyen-som-se-chon-duoc-thi-sinh-co-thanh-tich-vuot-troi-post247822.gd