Kiểm soát cơn giận trước khi cơn giận kiểm soát bạn: 3 cách dành riêng cho giới trẻ

Giận dữ là một cảm xúc bình thường mà tất cả chúng ta đều có. Nhưng khi cơn giận vượt ra ngoài tầm kiểm soát, nó có sức tàn phá khó tưởng tượng đối với cả người đang giận lẫn người bị trút giận. Khi đó, cơn giận dữ có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề. Vậy làm thế nào để chế ngự các cơn giận dữ trước khi chúng chế ngự chúng ta?

Các bạn tuổi teen (và con người nói chung) thường có 3 cách để thể hiện cơn giận dữ: Hướng ra ngoài, hướng vào trong và thụ động. Riêng ở các bạn teen, nhất là các bạn nam, cơn giận thường là sự bùng nổ hướng ra ngoài, có thể thể hiện dưới hình thức bạo lực về thể chất, nhằm vào bất kỳ ai mà các bạn ấy cho là đã gây ra tình trạng tồi tệ cho mình.

Tương tự với 3 cách để thể hiện cơn giận dữ, cũng có 3 hướng cơ bản để kiểm soát cơn giận dữ trước khi nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của mỗi con người và những người xung quanh, theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA). Những cách này đặc biệt có ích cho các bạn teen, vì chúng giúp thay đổi không chỉ hành vi mà còn cả nhận thức về cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực nữa.

Trước hết, hãy nhìn nhận rằng giận dữ là một cảm xúc quan trọng. Ảnh: Freepik.

Trước hết, hãy nhìn nhận rằng giận dữ là một cảm xúc quan trọng. Ảnh: Freepik.

1. Hướng vào trong: Tái cấu trúc nhận thức

Nói đơn giản thì đây là thay đổi cách nghĩ. Khi bạn giận dữ, những ý nghĩ tiêu cực của bạn bị phóng đại và kịch tính hóa, vì vậy bạn dễ có ý muốn phản ứng mạnh, trả đũa… Khi đó, hãy cố gắng thay thế những ý nghĩ không thật đó bằng những ý nghĩ thực tế và đúng đắn hơn. Ví dụ, thay vì: “Chuyện này thật tồi tệ, bố mẹ đã làm hỏng hết cuộc đời mình”, bạn có thể nghĩ: “Chuyện này khá tệ và mình bực bội cũng là bình thường, nhưng đây không phải là tận cùng và mình có thể cùng bố mẹ giải quyết được”.

Trong những lúc giận dữ, hãy rất thận trọng với những từ như “không bao giờ” hoặc “luôn luôn”, “lúc nào cũng” dù là để nghĩ/ nói về chính mình hay người khác. “Mẹ lúc nào cũng mắng con”, “Bố không bao giờ cố gắng hiểu con”… là những điều vừa không chính xác, vừa khiến bạn cảm thấy cơn giận của mình là chính đáng, và cho rằng đằng nào thì cũng chẳng thể giải quyết vấn đề.

Trên thực tế, chính cơn giận mới không giúp bạn giải quyết được gì.

Hãy tập thói quen thay đổi những ý nghĩ tiêu cực, đừng để chúng tích lũy trong đầu bạn. Ảnh minh họa: Getty.

Hãy tập thói quen thay đổi những ý nghĩ tiêu cực, đừng để chúng tích lũy trong đầu bạn. Ảnh minh họa: Getty.

2. Hướng ra ngoài: Tìm cách giải quyết phù hợp

“Giải quyết” ở đây không phải là lập tức giải quyết vấn đề mà bạn đang gặp phải, mà là giải quyết cơn giận. Nếu có thể, hãy lắng nghe thật kỹ những gì người khác đang nói và đừng vội đi đến kết luận (thường là sai trong những tình huống này). Ví dụ, mẹ bạn liên tục than phiền rằng bạn không chịu thông báo kết quả học tập, hãy nhớ rằng đó là vì mẹ quan tâm đến bạn và hy vọng bạn chia sẻ với mẹ nhiều hơn.

Ngoài ra, những cách khác như nghe nhạc nhẹ nhàng, vẽ, viết, chơi với thú cưng… đều là những cách rất có ích và lành mạnh để giảm giận dữ.

Nghe những bản nhạc nhẹ nhàng là cách xoa dịu tâm trạng và tâm hồn. Ảnh: NewportAcademy.

Nghe những bản nhạc nhẹ nhàng là cách xoa dịu tâm trạng và tâm hồn. Ảnh: NewportAcademy.

3. Chủ động: Thay đổi hoàn cảnh

Ai cũng có lúc cảm thấy ngột ngạt, giận dữ, cáu bẳn… Nhưng đừng để rơi vào cái “bẫy cảm giác”, rằng tình trạng này sẽ không bao giờ thay đổi, mình sẽ mắc kẹt mãi mãi… Thực ra, chẳng có gì là mãi mãi và chỉ cần thay đổi môi trường là tâm trạng đó có thể cũng sẽ được thay đổi nhanh chóng.

Ví dụ, bạn dành 15 - 20 phút dắt chó cưng đi dạo, hoặc 15 - 30 phút ở một mình trong phòng, làm những việc bạn yêu thích, hoặc đi trên một con đường khác với những con đường thường ngày bạn hay đi… Khi môi trường xung quanh thay đổi, thường tâm trạng cũng sẽ thay đổi theo.

Chơi với thú cưng cũng là cách tốt để giảm căng thẳng và giận dữ. Ảnh: Shutterstock.

Chơi với thú cưng cũng là cách tốt để giảm căng thẳng và giận dữ. Ảnh: Shutterstock.

Nhưng nếu bạn cảm thấy mình thường xuyên giận dữ không kiểm soát được, và nếu những cơn giận này gây ảnh hưởng nặng nề, bạn nên chia sẻ với một người lớn đáng tin cậy (bố mẹ, ông bà, họ hàng, thầy cô…) để cân nhắc việc gặp bác sĩ tư vấn. Đây là điều rất bình thường và sau đó, bạn sẽ thấy cả tâm trạng lẫn cuộc sống của mình đều tốt hơn rất nhiều.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/kiem-soat-con-gian-truoc-khi-con-gian-kiem-soat-ban-3-cach-danh-rieng-cho-gioi-tre-post1581186.tpo