Kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, phục hồi và phát triển kinh tế
Đồng chí Phạm Đại Dương và đồng chí Trần Hữu Thế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI
Ngày 5/01, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, triển khai kết luận của Trung ương Đảng và nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Dự hội nghị còn có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên có các đồng chí: Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thanh Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, 2021 là năm thứ hai liên tiếp thế giới phải chống đỡ với đại dịch COVID-19, khiến tình hình phức tạp khó đoán định và khó khăn hơn nhiều. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng thiếu vững chắc, không đồng đều và khó dự báo, đặc biệt khi xuất hiện biến chủng Delta và gần đây là biến chủng Omircon, đã thâm nhập vào Việt Nam.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho hay Chính phủ đã quyết liệt hành động, tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi thể chế, cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội; tích cực xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài… Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58%. Thu ngân sách nhà nước đạt 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 3,7%. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện, năm 2021 thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số…
Nền kinh tế Phú Yên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, một trong những địa phương là điểm nóng trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Cuối năm, trên địa bàn tỉnh lại phải trải qua trận lụt lớn gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Trong tình hình đó, cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng nhau khắc phục những khó khăn vừa ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, vừa khắc phục thiệt hại do mưa lũ, triều cường gây ra; quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, đưa Phú Yên dần bước qua giai đoạn khó khăn. Trong 18 chỉ tiêu cơ bản, toàn tỉnh thực hiện đạt 10/18 chỉ tiêu. Thu ngân sách 7.460 tỉ đồng, đạt 141,2% dự toán Trung ương giao, tăng 46,6% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 0,33%, tuy thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương; các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, quan tâm kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dự báo tình hình năm 2022 còn nhiều thách thức, khó lường, sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút, nếu không kiểm soát dịch bệnh cơ bản sẽ tác động đến phục hồi, tăng trưởng, rủi ro lạm phát gia tăng... Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; đề xuất những giải pháp khắc phục, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhất là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.
Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, chủ đề điều hành của năm 2022 là Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển. Chủ đề này được cụ thể hóa trong 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành; 12 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, tương ứng với 180 nhiệm vụ cụ thể. Triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt từ 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em…