Kiểm soát dịch, đưa cuộc sống về bình thường mới

Sóc Trăng là nơi có số người trở về đông nhất đồng bằng sông Cửu Long. Những ngày gần đây, Sóc Trăng đã đón gần 40.000 người lao động từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... trở về. Phần đông trong số người này chưa được tiêm vaccine, chưa qua xét nghiệm, sàng lọc, đang tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Hơn nữa, gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện các ổ dịch chưa rõ nguồn lây với hàng trăm F0 được phát hiện qua sàng lọc.

Ngành y tế Sóc Trăng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại các địa bàn vừa xảy ra ổ dịch, nhằm sàng lọc người mắc Covid-19 ra khỏi cộng đồng.

Ngành y tế Sóc Trăng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại các địa bàn vừa xảy ra ổ dịch, nhằm sàng lọc người mắc Covid-19 ra khỏi cộng đồng.

Từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ngày 4/7 đến nay, Sóc Trăng đã có hơn 2.500 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng; trong đó, có 1.175 ca đã điều trị khỏi, 22 ca tử vong, 1.305 ca đang điều trị. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, căn cứ vào kết quả dịch tễ, dự báo số ca F0 của tỉnh sẽ còn tăng nhanh trong vài ngày tới.

Đồng chí Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm phòng, chống Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Mặc dù hiện nay dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát do các yếu tố từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn là rất lớn, nhất là người dân tự phát trở về bằng các phương tiện cá nhân. Ban Chỉ đạo đã đề nghị các địa phương kích hoạt lại các khu cách ly y tế tập trung với điều kiện bảo đảm an toàn, vệ sinh không để lây nhiễm chéo nhằm giúp người dân xét nghiệm, sàng lọc tránh lây lan dịch ra cộng đồng”.

Để chuẩn bị các điều kiện cho công dân trở về, Sóc Trăng đã kích hoạt thêm 15 cơ sở, đến nay toàn tỉnh có 95 cơ sở cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận hơn 8.000 người. Tỉnh cũng khẩn trương thiết lập bệnh viện dã chiến và các nơi cách ly, điều trị Covid-19 với quy mô hàng nghìn người; hỗ trợ tiền ăn cho người dân từ vùng dịch trở về địa phương phải cách ly y tế tập trung, tại nhà và các trường hợp F1 được cách ly tại nhà với mức 80.000 đồng/người/ngày.

Trước đó, UBND tỉnh đã quyết định miễn tất cả chi phí cách ly y tế tập trung cho người dân nghèo trở về nhằm giảm bớt phần nào khó khăn, động viên người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, tập trung triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ Chính phủ. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng Võ Thanh Quang cho biết, hiện tỉnh đã hoàn thành chi hỗ trợ đợt 1 cho gần 38.000 người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác với tổng kinh phí gần 57 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho hơn 1.000 đơn vị gần 37.000 lao động số tiền gần ba tỷ đồng; hỗ trợ 599 người tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ đã hỗ trợ gần 3.000 tấn gạo tiếp sức hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội để người dân yên tâm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng đã miễn học phí cho học sinh các cấp học...

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Khải, hiện nay, năng lực cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, nhân lực y tế, an sinh xã hội của tỉnh đều quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ và đã được thiết lập cơ chế chi viện khẩn cấp nhằm ngăn chặn đà bùng phát dịch tại địa phương.

Đáp ứng lời kêu gọi của Sóc Trăng, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) điều động 110 y, bác sĩ quân y; tổ xét nghiệm gồm bốn đồng chí cùng một xe chuyên dụng xét nghiệm của Quân khu 9 chi viện cho tỉnh. Từ ngày 10/10 đến nay đã có hơn 10 bác sĩ và 60 điều dưỡng tình nguyện chi viện được đưa về Bệnh viện điều trị Covid-19 tỉnh Sóc Trăng. Trường đại học Y Dược Cần Thơ chi viện 107 sinh viên đến Sóc Trăng, hỗ trợ công tác tiêm phòng.

Trong thời gian này, Sóc Trăng cũng nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, hỗ trợ thuốc, trang thiết bị y tế của nhiều cơ quan y tế, doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh. Tập đoàn Phương Trang đã tặng tỉnh 10 máy trợ thở HFNC, 300 máy tạo oxy lưu lượng cao, 300 máy SPO2, 5.000 bộ test nhanh kháng nguyên, 2.000 đồ bảo hộ y tế, 100.000 găng tay y tế, 2.000 khẩu trang 3M...

Đến nay, Sóc Trăng đã tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 268.000 người, trong đó hơn 226.000 người tiêm mũi 1 và gần 43.000 người tiêm mũi 2. Mới đây, tỉnh đã được Trung ương phân bổ thêm 500.000 liều vaccine phòng Covid-19. Tỉnh sẽ triển khai kế hoạch tiêm phòng Covid-19 ưu tiên cho các địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, tình hình dịch bệnh trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch; đẩy nhanh công tác lấy mẫu xét nghiệm người về từ vùng dịch, sàng lọc để tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng; tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch với mức độ cao nhất ở những nơi có nguy cơ bùng phát dịch. Trung ương, các địa phương, đội ngũ y, bác sĩ và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang chung tay hỗ trợ, chi viện cho tỉnh ngăn chặn dịch. Hơn bao giờ hết, Sóc Trăng phấn đấu kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xahoi/kiem-soat-dich-dua-cuoc-song-ve-binh-thuong-moi-669328/