Kiểm soát giá cả, ổn định thị trường sau bão lũ
Trong bối cảnh bão lũ ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt, đời sống của người dân, các cơ quan chức năng đang nỗ lực ổn định thị trường hàng hóa, cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm cho người dân vùng bão lũ, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng.
Cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả
Trước những tác động nặng nề do bão số 9 gây ra, Bộ Công thương cho biết đã chỉ đạo các đơn vị ứng phó hiệu quả với mưa hoàn lưu; cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân, ổn định thị trường và khắc phục nhanh nhất hậu quả do bão gây ra để sớm đưa sản xuất ổn định trở lại.
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), hiện tại TP. Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Phú Yên, Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, tại các tỉnh bị ngập lụt nặng trước bão số 9 gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đến nay đã tiếp tục dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đợt 2 để sẵn sàng cho mùa mưa bão năm nay. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thương mại; giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu tại các tỉnh ngập lụt trước bão số 9 đã trở về mức giá trước khi lũ lụt xảy ra. Riêng có mặt hàng rau, củ, quả, tuy giá đã giảm mạnh nhưng hiện đang còn tăng khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg, thịt lợn tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với giá trước lũ lụt.
Kiểm soát chặt thị trường
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại, ngày 29/10, Bộ Công thương đã ra công điện khẩn đề nghị triển khai các phương án cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là những khu vực bị chia cắt, cô lập.
Ngay sau đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng có chỉ đạo đề nghị các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại; kiên quyết không để tình trạng găm hàng, đẩy giá; giữ ổn định giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng. Đồng thời, tập trung xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại tại địa phương.