Kiểm soát giá cả, tăng tiết kiệm điện

Trước việc tăng giá điện, người dân, doanh nghiệp cần sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, Chính phủ cần kiểm soát giá cả để tránh tình trạng 'té nước theo mưa', ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Sẽ tác động đến giá cả hàng hóa

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng: Điện là mặt hàng ảnh hưởng lớn đến đời sống. Việc tăng giá điện lần này chắc chắn sẽ tác động không chỉ với sản xuất mà cả tiêu dùng, trực tiếp lẫn gián tiếp. Những ngành dùng nhiều điện đầu vào như hóa chất, luyện kim… thì tác động có thể thấy ngay khi điện tăng giá. Điện tăng giá cũng sẽ đẩy mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường tăng lên theo.

“Theo tôi, chỉ số lạm phát sẽ tăng ngay khi điện tăng giá. Tăng cả trực tiếp lẫn gián tiếp, chưa kể là xuất hiện tình trạng té nước theo mưa, tức là nhiều giá cả mặt hàng khác cũng tăng theo”, ông Long dự báo.

Nhân viên EVN kiểm tra vận hành lưới điện

Nhân viên EVN kiểm tra vận hành lưới điện

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một chủ xưởng dệt ở làng La Cả, phường Dương Nội (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ làm tăng thêm chi phí của các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt và cơ sở sản xuất, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.

Một số công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài (TP Hà Nội) cũng chia sẻ nỗi lo khi giá điện tăng. Chị Bùi Thị Nga (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) công nhân dệt may tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài, bày tỏ lo ngại, hiện giá điện tại các khu vực nhà trọ đã bị chủ nhà thu mức cao hơn nhiều so với giá của EVN quy định (có nơi là 3.500 đồng/kWh hoặc 3.800 đồng/kWh). Nếu giá điện tăng, chắc chắn sẽ tác động đến đồng lương vốn không phải cao của mình. Đời sống, sinh hoạt sẽ khó khăn hơn.

Cần sử dụng năng lượng hợp lý

Ngày 31-3 vừa qua, Bộ Công thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN. Kết quả cho thấy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN là 2.032,26 đ/kWh, tăng tới 9,27% so với năm 2021.

Trong khi, theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ (quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân) thì mỗi năm ngành điện được xem xét, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân một lần. Nhưng từ năm 2019 đến trước ngày 4-5, giá điện chưa được điều chỉnh.

Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng nêu rõ, nếu chi phí đầu vào của ngành điện tăng (giảm) với mức 3% trở lên thì EVN được điều chỉnh giá điện bán lẻ tương ứng. Tuy nhiên ở lần điều chỉnh này, EVN chỉ được tăng giá bán lẻ bình quân là 3% để đảm bảo tránh gây cú sốc cho nền kinh tế.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), với mức chi phí tăng 9,27% mà không kịp điều chỉnh giá điện nên năm 2022, EVN lỗ trên 26.400 tỷ đồng. Riêng quý 1, dự tính EVN tiếp tục lỗ 18.400 tỷ đồng. Nếu giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp, dự kiến tổng lỗ lũy kế của 2 năm 2022 và 2023 khoảng trên 68.700 tỷ đồng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến bảo toàn vốn nhà nước tại EVN, đến khả năng cung cấp điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino đẩy nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng cao.

TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khi giá điện tăng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí để giảm giá thành sản phẩm, sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm hơn, cũng như sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của doanh nghiệp mình, bằng cách đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự cung cấp điện cho sản xuất.

VĂN PHÚC - LƯU THỦY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kiem-soat-gia-ca-tang-tiet-kiem-dien-post688354.html