Kiểm soát hiện tượng giá đất nền tăng nhanh ở một số địa phương
Báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong những tháng đầu năm do Bộ Xây dựng vừa công bố mới đây cho thấy, giá giao dịch nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý I/2025 tại các địa phương có nhiều biến động mạnh so với quý trước, do thông tin sáp nhập các tỉnh, thành.

Ghi nhận tại Bắc Giang, giá đất tại một số khu vực thuộc TP. Bắc Giang đã tăng trên 20% so với thời điểm cuối năm 2024 (ảnh: TTXVN)
Theo Bộ Xây dựng, tại các tỉnh, thành có thông tin là nơi đặt cơ quan hành chính mới, mặt bằng giá nhà ở riêng lẻ và đất nền đã bị đẩy lên cao và lượng giao dịch cũng có xu hướng tăng.
Đặc biệt ghi nhận diễn biến thị trường trong quý I/2025 cho thấy, đã xuất hiện tình trạng giá đất nền biến động tăng nhanh cục bộ ở một số địa phương như Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, TP. Hải Phòng, Đồng Nai…
Bộ Xây dựng dẫn chứng, tại tỉnh Bắc Giang, giá đất tại một số khu vực thuộc TP. Bắc Giang đã tăng trên 20% so với thời điểm cuối năm 2024, trong khi tại Phú Thọ, cụ thể là một số khu dân cư, thậm chí cả khu đô thị bị bỏ hoang nhiều năm tại khu vực Vân Phú, Trưng Vương, Thọ Sơn, Thanh Miếu, Gia Cẩm, giá đất rao bán đã tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại TP. Hải Phòng, giá cả lô đất tại Kiến Thụy, An Đồng, Thủy Nguyên được rao tăng 15 - 20% so với cuối năm 2024. Tại tỉnh Đồng Nai, giá rao bán đất nền thời điểm tháng 3/2025 tại một số khu vực thuộc Nhơn Trạch tăng khoảng 20 - 30%, thậm chí có nơi tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2024.
Sự tăng về giá và lượng này có yếu tố do giao dịch đầu cơ và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường. Trước tình trạng đó, cơ quan quản lý tại các địa phương đã đưa cảnh báo tới người dân cần thận trọng với những thông tin không chính thống; đồng thời triểnkhai các biện pháp kiểm soát, tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn.
Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Trong đó, tập trung chủ động giải quyết, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn.
Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tổ chức triển khai thi hành các chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản mới được ban hành như Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024, Nghị quyết thí điểm số 171/2024/QH15...
Đối với các địa phương sáp nhập, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc thù của từng khu vực, tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá bất động sản trên địa bàn, đặc biệt là hiện tượng tăng nóng giá nhà ở, giá đất ở tại các địa phương khi có thông tin về chủ trương, phương án sáp nhập các tỉnh trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, chủ động đề xuất các biện pháp điều tiết đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.