Kiểm soát hiệu quả hoạt động dã ngoại trong rừng

Thành phố Hà Nội có gần 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp. Nhiều khu rừng ở Hà Nội có cảnh quan thiên nhiên đẹp, thu hút hàng nghìn người vào dã ngoại, cắm trại nghỉ qua đêm để tận hưởng không khí trong lành dịp cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ.

Tuy nhiên, hoạt động này mang tính tự phát, tạo ra nhiều hệ lụy về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cao gây cháy rừng và xâm hại đến tài nguyên rừng. Do đó, lực lượng kiểm lâm và chính quyền các địa phương cần có phương án kiểm soát hiệu quả hoạt động dã ngoại này…

Hồ Đồng Đò (huyện Sóc Sơn) thu hút nhiều người dân đến vui chơi, cắm trại vào mỗi dịp nghỉ lễ. Ảnh: Tuấn Anh

Hồ Đồng Đò (huyện Sóc Sơn) thu hút nhiều người dân đến vui chơi, cắm trại vào mỗi dịp nghỉ lễ. Ảnh: Tuấn Anh

Thành phố Hà Nội có 7 huyện, thị xã có rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức có những khu rừng đẹp được nhiều người dân chọn làm địa điểm dã ngoại cuối tuần. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, số lượng người tham gia cắm trại trong các khu rừng từ đầu năm 2024 đến nay tăng 30% so với năm ngoái, đối tượng tham gia chủ yếu là học sinh, sinh viên và các gia đình trẻ.

Dịp 30-4 vừa qua, khu vực hồ Tuy Lai, bìa rừng Hương Sơn có số người đến cắm trại nghỉ qua đêm lên tới hàng nghìn lượt. Họ khởi hành từ nội thành vào sáng sớm thứ bảy, mang theo lều bạt, đồ ăn, bếp nướng, hoa, quả cắm trại ở qua đêm. Đến chiều chủ nhật rút đi, hiện trường khu vực này là một mớ hỗn độn nào là rác thải, đồ ăn thừa. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở những địa điểm như núi Hàm Lợn, khu Đồng Đò, khu rừng thông cạnh tượng đài Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn), đồi Bù (nằm ở ranh giới giữa huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội và huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), khu vực coste 400 Vườn quốc gia Ba Vì…

Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm số 4 Lê Văn Đức cho biết, các dịp nghỉ lễ, hạt phân công kiểm lâm địa bàn phối hợp với các thôn, xã có rừng tuần tra, kết hợp tuyên truyền cho khách du lịch cắm trại nghỉ qua đêm trong rừng không sử dụng nguồn lửa để nấu ăn, không đốt lửa trại, đốt pháo hoa trong rừng… Tuy nhiên, vẫn có người thiếu ý thức, lực lượng kiểm lâm rút khỏi là mang đồ ra nấu ăn và vứt rác thải ra môi trường. Vào mùa nước cạn, các con lạch tại núi Hàm Lợn tràn ngập rác, bốc mùi hôi thối. Điều này không chỉ làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của các địa điểm cắm trại, mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của động thực vật sinh sống tại đó, thậm chí gây nguy cơ cháy rừng rất cao.

Theo anh Ngô Ngọc Huân, ở xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), với xu hướng cắm trại dã ngoại cuối tuần ngày càng phát triển, nhất là khi kinh tế vẫn còn khó khăn, người dân ít có cơ hội thực hiện những chuyến đi xa và dài ngày, thì loại hình du lịch này là lựa chọn phù hợp với giới trẻ hiện nay. Tuy loại hình này còn manh mún, tự phát, gây ra nhiều hệ lụy, song cũng tạo ra sinh kế cho người dân địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển. Vấn đề là cơ quan chức năng quản lý thế nào cho hiệu quả đối với hoạt động này.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng, để quản lý hiệu quả loại hình du lịch này, các huyện, thị xã có rừng ở Hà Nội cần xây dựng chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và du khách về các khu cắm trại an toàn; phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức các chuyến dã ngoại trong rừng, nhằm kiểm soát mọi hoạt động của du khách khi cắm trại qua đêm trong rừng, nơi công cộng…

Đối với lực lượng kiểm lâm, chủ rừng cần giới hạn những khu vực cắm trại phù hợp, bảo đảm an toàn, tránh những khu vực nhạy cảm về môi trường, khu vực có nguy cơ cháy rừng cao hoặc ảnh hưởng đến khu dân cư. Đồng thời, chính quyền địa phương lập kế hoạch quản lý chi tiết cho từng khu vực, bao gồm: Quy định về số lượng người, loại hình hoạt động, thời gian hoạt động, đơn vị tổ chức cắm trại, bảo đảm họ tuân thủ các quy định về môi trường và an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chẳng hạn, tại khu vực hồ Tuy Lai, Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), thay vì để du khách tự do đi lại như hiện nay, chính quyền địa phương xây dựng các khu cắm trại tập trung, cung cấp nhà vệ sinh, thùng rác và khu vực đốt lửa trại an toàn để dễ dàng kiểm soát các hoạt động. Hay tại khu vực núi Hàm Lợn, Đồng Đò (huyện Sóc Sơn), lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương cắm biển nội quy để du khách chấp hành các quy định khi ra vào rừng dã ngoại, đồng thời tổ chức các chương trình dọn rác thải để bảo vệ môi trường…

Tiến Long

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kiem-soat-hieu-qua-hoat-dong-da-ngoai-trong-rung-675777.html