Kiểm soát hiệu quả ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới

Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đặt ra liên tục từ năm 2014 tới nay chỉ có thể được thực hiện được hiệu quả nếu có sự đồng bộ trong việc rà soát, bãi bỏ các ngành nghề đầu tư kinh doanh, điều kiện kinh doanh (hiện có) với việc kiểm soát hiệu quả các ngành nghề đầu tư kinh doanh, điều kiện kinh doanh mới...

Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý cho Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và những năm tiếp theo.

GIAO TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ CHO CÁC BỘ, NGÀNH

Dự thảo quy định về trách nhiệm của các Bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các chỉ số, chỉ số thành phần có trách nhiệm “đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan…”.

Thực tế cho thấy không ít bộ, ngành, chính quyền địa phương (với vai trò là cơ quan phối hợp, thực hiện) còn tương đối lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện do chưa hiểu rõ cũng như chưa nắm được kịp thời kết quả đánh giá của các chỉ số, chỉ số thành phần được nêu trong Nghị quyết 02 trước đây.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh nhiệm vụ của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các chỉ số, chỉ số thành phần theo hướng “kịp thời cập nhật, hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan…”.

Ngoài ra, Dự thảo giao cho các bộ, ngành rà soát các luật liên quan đến đầu tư tạo tài sản, phát triển năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo VCCI, một số luật trong này vừa mới ban hành, chưa phát sinh hiệu lực hoặc phát sinh hiệu lực vào đầu năm 2022.

Ví dụ như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, một số văn bản quy định chi tiết thi hành đang được soạn thảo và chưa ban hành. “Vì vậy, yêu cầu rà soát các văn bản vừa mới ban hành, các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành... dường như chưa thật sự khả thi”, VCCI bình luận.

Để hiệu quả hơn, VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh nội dung này theo hướng yêu cầu các bộ, ngành theo dõi, đánh giá và nắm bắt kịp thời các bất cập trong thực hiện các văn bản pháp luật mới ban hành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng để kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Còn đối với những văn bản pháp luật như Luật Đất đai, các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ rà soát như Dự thảo đã nêu.

Để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, việc công khai kết quả đánh giá đóng vai trò quan trọng. VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung: “Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và công khai các kết quả kiểm tra, giám sát đã thực hiện”.

Một điểm nữa, Dự thảo đưa giải pháp thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nhưng lại chưa giao nhiệm vụ cụ thể cho bộ, ngành nào phải thực hiện, thời gian thực hiện. VCCI cho rằng điều này sẽ khiến cho việc giám sát thực thi gặp khó khăn. Cơ quan soạn thảo cần bổ sung cụ thể các bộ, ngành phải thực hiện nhiệm vụ này trong Dự thảo.

XU HƯỚNG THẮT CHẶT MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH

Góp ý về nội dung cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh đưa ra trong dự thảo, VCCI chia sẻ hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành vẫn thường xuyên tiến hành hoạt động rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, hoạt động rà soát này cần có kết quả rõ ràng với lộ trình cụ thể, danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được sửa đổi kịp thời. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Như vậy, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh”, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đưa ra mốc thời gian và yêu cầu kết quả cụ thể cho các bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Hơn nữa, VCCI lưu ý, cơ quan soạn thảo cần bổ sung mục tiêu của rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện là sửa đổi để thu hẹp phạm vi của một số ngành nghề và đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác quản lý hiệu quả hơn.

Trong việc bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh, điều kiện kinh doanh mới, VCCI dẫn thực tế cho thấy việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đặt ra liên tục từ năm 2014 tới nay chỉ có thể được thực hiện được hiệu quả nếu có sự đồng bộ trong việc rà soát, bãi bỏ các ngành nghề đầu tư kinh doanh, điều kiện kinh doanh (hiện có) với việc kiểm soát hiệu quả các đề xuất các ngành nghề đầu tư kinh doanh, điều kiện kinh doanh mới.

Bên cạnh những giải pháp cải cách thủ tục hành chính, dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh, việc giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là thực sự quan trọng.

Thời gian vừa qua đã có hiện tượng cơ quan nhà nước đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới nhưng chưa chứng minh tính phù hợp của mục tiêu quản lý nhà nước của ngành nghề đó hoặc có sự chồng lấn về phạm vi quản lý với ngành nghề kinh doanh khác trong Danh mục. Hoặc, ở một số lĩnh vực có tính cải cách về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng thắt chặt, quy định khắt khe hơn các điều kiện kinh doanh, trong khi các lập luận lại chưa thực sự thuyết phục.

“Rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh hiện có nhưng lại thiếu cơ chế kiểm soát việc ban hành mới sẽ khiến cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh chưa hiệu quả. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về nhiệm vụ kiểm soát việc bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh mới trong dự thảo”, VCCI góp ý.

VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung này. Theo đó đề nghị các bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Đặc biệt, Dự thảo nhấn mạnh tới vai trò của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng trong việc theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết.

Song theo VCCI, nhiệm vụ quan trọng này chỉ có thể thực hiện được một cách hiệu quả, nếu các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp có thể tham gia ngay từ đầu trong quá trình hoạch định và thực thi các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành và chính quyền địa phương

Song Hà -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kiem-soat-hieu-qua-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-moi.htm