Kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy: Đừng để quá muộn...

Công bố mới đây của nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Đức về tác hại của khí thải giao thông đối với sức khỏe người dân tại TP.HCM thực sự là 1 hồi chuông cảnh báo. Do đó, kiểm định kiểm soát khí thải đối với mô tô xe gắn máy là việc làm không thể chần chừ, chậm trễ hơn nữa.

Ngày 17/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 909 về việc phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố của nước ta. Trải qua hơn 10 năm, đề án này rất nhiều lần được các cấp, các ngành, các địa phương nhắc đi nhắc lại thậm chí có thời điểm rục rịch triển khai thí điểm song đến nay chủ trương này vẫn chưa thể đi vào đời sống vì nhiều lý do khác nhau: "Đề xuất này đã được nói rất lâu rồi mà chưa thực hiện được có nghĩa là nó rất khó, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và nhiều yếu tố quản lý khác. Chúng ta đang rất thiếu các trạm kiểm định và đây chắc chắn sẽ là 1 thách thức rất lớn, rất nhiều việc phải làm, không thể nóng vội hay áp các quy định quá cứng nhắc. Như hiện nay có hiện tượng chồng chéo, trùng lặp và khiến việc triển khai khó khả thi, gây khó khăn cho người sử dung và người kiểm tra kiểm soát. Chạy xe đó giờ đâu có bảo trì bảo dưỡng gì đâu, xe hư thì sửa, hết nhớt thì thay nhớt thôi chứ tôi đâu có cần làm gì nữa đâu".

Với hơn 78 triệu chiếc xe máy đã được đăng ký, trong đó có khoảng 60 triệu chiếc đang lưu hành mỗi ngày thì lượng khí thải, bụi mịn xả trực tiếp ra môi trường sống hàng ngày là vô cùng lớn.

Nếu như trước đây, các khuyến cáo ảnh hưởng sức khỏe người dân vì ô nhiễm từ hoạt động giao thông còn chung chung “định tính”, thì kết quả “định lượng” từ công trình nghiên cứu mới nhất của 1 nhóm các nhà khoa học trong và ngoài nước đủ sức làm tất cả phải “khiếp vía”.

Thời điểm này là chưa khả thi để triển khai 1 công tác phức tạp như kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy

Thời điểm này là chưa khả thi để triển khai 1 công tác phức tạp như kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy

Nghiên cứu cho thấy, trung bình hàng năm tại TP.HCM có khoảng 3000 người qua đời hoặc giảm tuổi thọ vì liên quan đến tình trạng ô nhiễm do hoạt động giao thông. Ở đó, khí thải và bụi mịn từ xe máy nói chung và xe máy hết niên nạn sử dụng nói riêng gần như đóng vai trò nòng cốt.

Nếu phải so với số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm tại TP.HCM (dao động từ 500-600 trường hợp) thì con số biết nói vừa nêu hẳn sẽ khiến những người có trách nhiệm phải “hành động”.

Cùng với Nghị quyết 98 của Quốc hội và mới đây là Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 vừa được thông qua, TPHCM đang đặt nhiều kỳ vọng sẽ trở thành địa phương tiên phong trong việc phát triển giao thông xanh, kiểm soát khí thải phương tiện nói chung, mô tô xe máy nói riêng.

Thế nhưng cái khó của TP.HCM và nhiều đô thị khác chính là thiếu những bộ quy chuẩn chi tiết, các hướng dẫn triển khai cũng như chính sách hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Với một chủ trương mang tầm vĩ mô của quốc gia và hàm chứa nhiều đặc tính kỹ thuật như việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông thì dù có sốt ruột đến mấy đi nữa TPHCM cũng không thể tự làm được.

Không chỉ vậy, ở 1 quốc gia mà chiếc xe gắn máy không khác gì đôi chân nối dài trong sinh kế của người dân thì bất kỳ sự điều chỉnh nào liên quan đến loại phương tiện này đều phải đối mặt với không ít nan đề, thách thức.

Biết là khó nhưng không thể không làm, bởi như nhận định của nhiều người thì việc này “càng để lâu càng khó”.

Chúng ta đã chậm hơn 1 thập kỷ và nếu cứ tiếp tục chần chừ, ngại khó thì nhiều thập kỷ nữa cũng không cụ thể hóa được việc kiểm soát khí thải xe máy chứ đừng nói gì đến việc hoàn thiện mạng lưới giao thông không phát thải hay net to zero.

Huy Hoàng/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/kiem-soat-khi-thai-mo-to-xe-gan-may-dung-de-qua-muon-post1113479.vov